Ông Nguyễn Duy Kính (ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) trồng thành công 5 hécta rau tía tô thu lá và tự xuất khẩu rau này sang thị trường Hàn Quốc.
Mô hình trồng rau tía tô xuất khẩu của ông Nguyễn Duy Kính tại xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ. |
Từ đầu năm 2018, được sự giới thiệu của bạn bè ở Hàn Quốc về việc trồng lá tía tô cho thu nhập cao, ông Kính quyết định mua giống và mượn 5 hécta đất thuộc xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) để trồng thử nghiệm.
* Mô hình mới
Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm nên ông phải bỏ nhiều công sức tìm tòi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trồng. Theo ông Kính, loại tía tô Hàn Quốc này trồng giống như các loại rau bình thường ở Việt Nam đều qua các công đoạn làm đất, bón phân, phun thuốc. Tuy nhiên, buổi tối cần thắp đèn để cây chỉ ra lá, nếu ra hoa, cây sẽ nuôi bông và lá sẽ xoăn hết lại, không đạt yêu cầu. Ông Kính chia sẻ: “Vườn rau được tôi trải bạt để chống cỏ dại. Trong quá trình gieo hạt giống tía tô, cứ khoảng cách 10 phân thì bỏ 3 hạt giống. Khi cây lớn lên 10-15 ngày thì nhổ bỏ để lại một cây”.
Cũng theo ông Kính, trồng lá tía tô chủ yếu là làm thủ công từ khâu trồng, làm cỏ bằng tay, tỉa lá già, lá sâu... nên đòi hỏi rất nhiều chi phí nhân công. Bên cạnh đó, lá tía tô xuất khẩu phải đúng ngày tuổi, đạt đúng kích thước chiều ngang từ 8-13cm nên phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong quá trình trồng chỉ sử dụng phân bón sinh học. Một yếu tố cần lưu ý khác là việc đảm bảo nhiệt độ phù hợp cho rau tía tô Hàn Quốc phát triển vì thời tiết ở Việt Nam nóng ẩm hơn so với bên Hàn Quốc.
* Nhân rộng mô hình
Mỗi cây tía tô từ khi xuống giống đến thu hoạch thời gian vào khoảng 7-9 tháng. Trung bình mỗi ngày thu hoạch, ông thuê mướn 25-40 nhân công. Mỗi người hái trung bình 15kg lá/ngày. Những đợt cao điểm, nguồn lá đạt tiêu chuẩn, ông có thể thu 1 tấn lá tía tô/ngày.
Đến nay, ông Kính đã xuất khẩu sang Hàn Quốc được 60 tấn lá tía tô với giá bán được các công ty ở Hàn Quốc bao tiêu dao động từ 20-60 ngàn đồng/kg, tùy chất lượng từng loại lá. Ông Kính nhận định mô hình trồng lá tía tô xuất khẩu này là mô hình kinh tế mới của địa phương, bước đầu đã mang lại hiệu quả khá tốt, tuy nhiên sản phẩm hiện chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Hàn Quốc, chưa mở rộng được ở thị trường trong nước hoặc các nước khác.
Ông Kính chia sẻ: “Hiện tại, ngoài 5 hécta trồng tía tô ở xã Xuân Đông, tôi bắt đầu trồng thêm hơn 2 hécta ở mảnh đất vườn nhà tại xã Sông Ray. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng mô hình, xây dựng thêm các nhà lưới, hệ thống tưới tự động… để nâng cao chất lượng, năng suất rau tía tô”.
Hải Quân - Đinh Tài