Kinh tế

Thương hiệu mật ong đất núi

Từ người nuôi ong, vợ chồng chị Trần Thị Hồng Nhung thành lập Cơ sở mật ong Vương Phát (xã Phú Lập, huyện Tân Phú) để có thể tự bán sản phẩm do mình sản xuất.

Cơ sở mật ong Vương Phát đại diện cho sản phẩm nông nghiệp của huyện Tân Phú tham gia trưng bày sản phẩm tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh vừa qua.
Cơ sở mật ong Vương Phát đại diện cho sản phẩm nông nghiệp của huyện Tân Phú tham gia trưng bày sản phẩm tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh vừa qua.

Khi thị trường xuất khẩu mật ong gặp nhiều khó khăn, vợ chồng chị Nhung đã đầu tư nhãn hàng riêng, quảng bá thương hiệu mật ong đất núi đến người tiêu dùng nội địa.

* Nghề vất vả

Chị Nhung kể: “Khi lập gia đình, vợ chồng tôi chọn nuôi ong để khởi nghiệp vì đây là nghề gốc của gia đình chồng. Vợ chồng trẻ, vốn liếng không nhiều nên những ngày đầu vào nghề rất vất vả”.

Theo chị Nhung, nuôi ong sợ nhất những vùng hoa bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật hay ô nhiễm môi trường.  Vợ chồng chị Nhung quanh năm bôn ba đưa đàn ong đi theo mùa hoa và thường chọn những vùng rừng sâu, heo hút để có nguồn mật sạch.

Nhưng khó khăn nhất với người nuôi ong là tìm được đầu ra ổn định, muốn vậy phải chủ động được trong khâu tiêu thụ. Chị Nhung đứng ra làm đại lý thu mua mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa cung cấp cho các công ty xuất khẩu. Mục tiêu ban đầu của họ là để nguồn mật làm ra bán được với giá tốt nhất khi người sản xuất gánh luôn vai trò của thương lái trung gian.

Là nông dân tham gia làm thị trường ở một ngành hàng có áp lực cạnh tranh lớn, họ gặp không ít khó khăn từ việc huy động nguồn vốn đầu tư, quản lý công nhân lao động đến việc tìm khách hàng...

* Lấy được lòng tin bằng chất lượng

Cơ sở mật ong Vương Phát thành lập vào năm 2016 thì ngay năm sau đó ngành nuôi ong đối mặt với cơn khủng hoảng lớn. Thị trường xuất khẩu mật ong bị đình trệ vì gặp vấn đề về chất lượng. Chưa bao giờ giá mật ong lại giảm thấp và đầu ra  bấp bênh đến vậy.

Khó khăn chồng chất nhưng vợ chồng chị Nhung quyết định mở rộng đầu tư. Họ đăng ký nhãn hàng, xây dựng quy trình đóng gói, làm mẫu mã... để giới thiệu dòng mật đặc sản miền núi đến tay người tiêu dùng nội địa. Không chỉ cung cấp sản phẩm mật, phấn hoa, sữa chúa, Cơ sở Vương Phát còn làm thêm dòng sản phẩm chế biến như: nghệ mật ong, chanh đào ngâm mật ong, gừng ngâm mật ong...

Chị Nhung chia sẻ: “Vì chưa có vốn để đầu tư chế biến theo công nghệ hiện đại, tôi chọn làm sản phẩm theo hướng thủ công tỉ mỉ, chăm chút từ chất lượng mật đến chọn lọc các nguyên liệu phụ như: củ gừng, bột nghệ, chanh đào... Tôi cũng nhập thêm các loại mật đặc sản từ nhiều vùng miền, như: mật hoa dẻ, mật hoa bạc hà... để tạo sự đa dạng về sản phẩm cung cấp ra thị trường”.

Tận dụng ưu thế năng động, sẵn sàng thử nghiệm cái mới, vợ chồng chị Nhung không chỉ phân phối sản phẩm vào hệ thống các nhà thuốc, các cửa hàng, đại lý bán lẻ mà còn phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Chị Nhung cũng bôn ba tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu dòng mật đặc sản đất núi rừng đến người tiêu dùng. Tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 do Đồng Nai tổ chức, sản phẩm của cơ sở được chọn giới thiệu tại gian hàng chung trưng bày các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai. Theo chị Nhung: “Khi đã đảm bảo được về chất lượng, các chương trình hội chợ, trưng bày để trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến tay khách hàng khá hiệu quả. Nhiều khách mua sử dụng thử rồi tiếp tục liên hệ đặt hàng, giúp cơ sở không ngừng mở rộng thêm nhiều đại lý mới ở khu vực thành thị”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,399,781       14/913