Kinh tế

Không thể nhẹ tay với việc cố tình gây ô nhiễm môi trường

Theo TS.Trần Văn Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường Quốc hội, bên cạnh việc phát triển kinh tế, Việt Nam rất quan tâm đến bảo vệ môi trường. Riêng từ đầu năm đến nay, Quốc hội có 2 kỳ họp với nội dung chất vấn rất mạnh mẽ về vấn đề môi trường.

Nhiều năm làm việc tại Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường Quốc hội, TS.Trần Văn Minh tham gia giám sát, chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Theo ông, Đồng Nai rất chú ý đến công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do là nơi có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước nên tỉnh vẫn còn để xảy ra những “điểm nóng” về môi trường, vì thế tỉnh cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn nữa.

* Không thể chọn kinh tế, bỏ môi trường

 Trong những năm gần đây, ông từng tham gia giám sát, chất vấn công tác bảo vệ môi trường ở nhiều tỉnh, thành. Vậy ông đánh giá như thế nào về công tác này của Đồng Nai?

- Tuy vẫn còn để xảy ra những “điểm nóng” về môi trường trong những năm qua, nhưng tôi thấy về cơ bản Đồng Nai là nơi bảo vệ môi trường khá tốt so với các tỉnh, thành khác.

Cụ thể,  tỉnh có 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động và tất cả đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung để các nhà máy trong khu kết nối, xử lý. Nước thải sau xử lý phần lớn đạt loại A trước khi xả ra môi trường. Đây là việc mà nhiều địa phương chưa làm được.

Bên cạnh đó, phần lớn các  khu công nghiệp, doanh nghiệp có lượng nước thải lớn đều có hệ thống quan trắc tự động nước thải sau xử lý, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên - môi trường để theo dõi quản lý. Như vậy sẽ tránh được nhiều sự cố đáng tiếc về môi trường có thể xảy ra. 

 Theo ông, việc xử lý các “điểm nóng” về môi trường của Đồng Nai trong những năm qua đã thỏa đáng chưa?

- Để xảy ra những “điểm nóng” về môi trường là điều đáng tiếc, song chính quyền tỉnh đã khắc phục được hậu quả. Đến nay, tỉnh đã có nỗ lực lớn khi giải quyết xong mọi “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, Việt Nam rất coi trọng việc bảo vệ môi trường, vì thế có đến 50% các cuộc họp của Quốc hội có thảo luận, chất vấn về lĩnh vực môi trường. Chính phủ, Quốc hội luôn thống nhất quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không thể chọn bên này, bỏ bên kia.

Để không xảy ra những sự cố đáng tiếc về môi trường, Đồng Nai phải tăng cường công tác quản lý, giám sát hơn nữa; đặc biệt chú ý đến những doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp ra môi trường. Tuy có quan trắc tự động nhưng tỉnh vẫn phải thường xuyên lấy mẫu kiểm tra vì việc bảo trì, hoạt động của hệ thống này thời gian qua vẫn còn những trục trặc, kết quả chưa như mong muốn.

 Ông nhiều lần nhấn mạnh sông Đồng Nai là một trong 5 con sông ô nhiễm nhất cả nước. Theo ông, biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện môi trường sông Đồng Nai là gì?

- Trước đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã gọi sông Đồng Nai là một trong những con sông “chết” vì mức độ ô nhiễm quá cao. Đây là con sông dài nhất nước đi qua nhiều tỉnh, thành có công nghiệp phát triển, dân số đông  nên ô nhiễm do xả thải là khó tránh khỏi.

Muốn hồi sinh sông Đồng Nai, không chỉ riêng tỉnh làm là được mà đòi hỏi các tỉnh, thành khác thuộc lưu vực sông Đồng Nai cũng đều phải tham gia. Trong đó, việc quan trọng nhất là phải quản lý được các nguồn thải từ sản xuất công nghiệp ra sông. Buộc các doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra sông. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm nên xử lý thật nghiêm, nếu vi phạm nghiêm trọng ngoài xử phạt hành chính có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các địa phương sớm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Kiểm soát tốt 2 nguồn thải trên thì sông Đồng Nai sẽ thoát khỏi danh sách 5 dòng sông ô nhiễm nặng nhất cả nước.

* Sớm thay đổi công nghệ lạc hậu

 Đồng Nai rất xem trọng công tác bảo vệ môi trường nhưng thực tế có nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động từ rất sớm, công nghệ đến nay đã cũ, khó tránh khỏi việc gây ô nhiễm. Vậy nên có lộ trình để các doanh nghiệp thay đổi công nghệ không, thưa ông?

- Những năm gần đây, Quốc hội có đưa vấn đề này ra thảo luận và thống nhất Chính phủ có những chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất, thủ tục... cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ lạc hậu sang công nghệ hiện đại. Điều này sẽ đáp ứng được cùng lúc nhiều yêu cầu là: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bớt nhiều lao động phổ thông, tăng năng suất, sản phẩm làm ra chất lượng, mẫu mã tốt hơn sẽ dễ dàng tìm được thị trường tiêu thụ và có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất của toàn cầu.

Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu, yêu cầu của nhiều nước trong nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam là sản phẩm làm ra phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, lao động... Vì vậy thay đổi công nghệ lạc hậu, ứng dụng dây chuyền máy móc hiện đại vào trong sản xuất sẽ là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lớn mạnh dần.

Ngoài việc khuyến khích, Quốc hội cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu phải thay đổi công nghệ để nước thải sau khi xử lý xả ra môi trường phải đạt loại A.

 Thời gian còn lại để các doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sản xuất hiện đại chỉ còn hơn 2 năm. Nhưng việc chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn không nhỏ, trong khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Liệu mục tiêu này có khả thi không?

- Như tôi đã nói ở trên, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đã đến lúc Việt Nam không thể chấp nhận vì phát triển kinh tế mà phải hy sinh môi trường, vì thế doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải chấp hành việc chuyển đổi công nghệ cho phù hợp để không gây ô nhiễm.

Những năm gần đây, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước thu hút đầu tư có sự chọn lựa kỹ càng hơn, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn đều bị từ chối và khi các doanh nghiệp vào đầu tư kiểm soát khá kỹ công nghệ sản xuất. Đến năm 2020, những doanh nghiệp sản xuất phải xử lý nước thải ra môi trường đạt loại A, nếu không buộc phải chuyển đổi sang những ngành nghề khác cho phù hợp để bảo vệ môi trường.

 Để bảo vệ sông Đồng Nai, tỉnh đã có kế hoạch chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Nhưng dự án này đã hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện được vì vướng về chính sách từ Trung ương. Vấn đề này trong thời gian tới Quốc hội có can thiệp hay không, thưa ông?

- Đúng là đến thời điểm này, Quốc hội chưa có chính sách cụ thể cho việc di dời khu công nghiệp. Đồng Nai là nơi đầu tiên trong cả nước đề xuất di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Riêng tôi rất ủng hộ quyết định này của tỉnh vì đây là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sông Đồng Nai, bảo vệ tài nguyên nước mặt, giảm ô nhiễm để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục triệu dân. Tôi cũng đã nhận được kiến nghị của tỉnh về vướng mắc trong thực hiện hồ sơ để di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Tới đây những kiến nghị này sẽ được tổng hợp trình Quốc hội xem xét để sớm có những chính sách cụ thể cho việc di dời khu công nghiệp này.

 Xin cảm ơn ông!

Điều khiến tôi còn trăn trở nhất là chính sách pháp luật của chúng ta từng bước được bổ sung, hoàn thiện, chặt chẽ hơn nhưng ở một số tỉnh vẫn còn xảy ra những vụ việc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến dư luận và người dân bức xúc. Gần đây, có một số vụ việc gây ô nhiễm môi trường đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng tôi nghĩ các địa phương cần phải xử phạt nặng và nghiêm minh hơn nữa mới đủ sức răn đe. Những hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường phải được xem như là một tội ác vì hủy hoại môi trường sống hiện tại cũng như tương lai của chúng ta.

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,400,959       6/916