Kinh tế

Sống trong vùng "rốn" ngập

Sau những trận mưa to, nhiều khu vực ở TP.Biên Hòa lại bị nước "bao vây". Không chỉ các phương tiện giao thông, mà với các hộ dân quanh năm sống ở vùng được coi là "rốn" ngập phải chịu cảnh khổ sở.

Sau những trận mưa to vừa qua, nhiều khu vực ở TP.Biên Hòa lại bị nước “bao vây”. Không chỉ các phương tiện giao thông đi lại vất vả mà với các hộ dân quanh năm sống ở vùng được coi là “rốn” ngập phải chịu cảnh khổ sở.

Sau mỗi lần mưa to, nhiều nhà dân ở khu vực ấp Miễu, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) lại bị nước tràn vào.
Sau mỗi lần mưa to, nhiều nhà dân ở khu vực ấp Miễu, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) lại bị nước tràn vào.

Nếu như ở trung tâm TP.Biên Hòa tình trạng ngập nước đã giảm bớt thì ở những vùng rìa như: phường Long Bình, phường Long Bình Tân, xã Phước Tân… bao năm qua “ngập vẫn hoàn ngập”.

* Sống chung với lũ

Nhiều năm nay, mỗi lần bước vào mùa mưa là người dân ở tổ 9, ấp Miễu, xã Phước Tân lại phải sống trong cảnh lo lắng vì ngập nước. Có những đợt mưa to, cùng với lượng nước từ thượng nguồn đổ về , khu vực cầu Bà Cải và cầu Bà Bướm thường bị ngập nặng. Hàng trăm hộ dân nơi đây phải thức trắng đêm để chuyển đồ đạc, đắp bờ ngăn không cho nước tràn vào nhà.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước ở vùng ven TP.Biên Hòa là chưa có hệ thống thoát nước đồng bộ. Địa phương và các cơ quan chức năng đang tập trung quyết liệt, tìm giải pháp cũng như triển khai các dự án khơi thông dòng chảy, thoát nước kịp thời để giải quyết vấn đề trên.

Ông Nguyễn Đức Hùng (ngụ tổ 9, ấp Miễu) cho hay dù nước ngập đã rút hơn 1 tuần qua, nhưng trên tường nhà, hàng cây bên đường vẫn còn nguyên dấu bùn đất do nước dâng. Cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn, một số nhà bị ảnh hưởng nặng nề đang khẩn trương nâng cấp, sửa chữa để phòng khi có lũ về những đợt tiếp theo.

Do địa hình khu vực này trũng thấp, khi mưa lớn trút xuống là nước từ khắp nơi đổ về gây ngập úng cục bộ. Cả một vùng rộng lớn chỉ có 1 con suối nhỏ chảy qua cầu Bà Bướm để thoát nước nên khi lũ bao vây, dòng suối này trở nên “quá tải”, tình trạng ngập lụt vì thế mà càng thêm nghiêm trọng. Hầu hết sân, vườn cây nhà dân nào trong vùng cũng bị ngập sâu từ 40-70cm, nhiều nhà bị nước ngập vào tận bếp.

Trước mùa mưa năm nay, gia đình ông Hùng phải bỏ khoản tiền không nhỏ để nâng cấp đường, nền nhà cũng như hệ thống bờ xung quanh vườn rau rộng 1 ngàn m2, nhưng vẫn không đủ sức ngăn dòng nước tràn vào. Trận mưa lớn vào ngày 5 và 6-8 khiến vườn nhà ông ngập lênh láng nước, rau màu bị thiệt hại nặng nề.

Đây không chỉ là khó khăn của gia đình ông Hùng mà còn là nỗi niềm của nhiều hộ dân ở tổ 9, ấp Miễu, xã Phước Tân. Nhiều người cho hay hễ mưa lớn là vùng này lại ngập, nước đổ về không có chỗ thoát nên đọng lại thành ao trong vườn. Mưa ít thì nước xăm xắp mắt cá chân, mưa to liên tục trong vài giờ thì hầu như nhà nào cũng ngập.

Con đường nối từ quốc lộ 51 vào khu dân cư có hàng trăm hộ dân ở ấp Miễu và Trường THCS Phước Tân 1, lũ cũng dâng lên cao hơn cả mét khiến nhiều hộ dân ở sâu bên trong bị cô lập. Phải mất vài ngày thì việc đi lại mới bình thường, khó khăn nhất vẫn là Trường THCS Phước Tân 1 đang chuẩn bị bước vào năm học mới. Các mùa mưa trước, trường học này cũng từng sơ tán cả ngàn học sinh vì lũ dâng đột ngột.

Bà Nguyễn Thị Thiết (ngụ tổ 9, ấp Miễu) phản ảnh trước đây khu vực này là cánh đồng rộng lớn nên không có chuyện ngập nước. Khoảng chục năm nay, không chỉ nhà ở bắt đầu mọc lên san sát mà các khu nhà trọ cũng đua nhau xây dựng khiến đất đai bị “bê tông hóa”. Vậy là cứ mỗi lần mưa to, nước không thoát kịp gây ngập khiến các hộ dân khổ sở vô cùng.

“Ngập riết rồi quen, nhà nào cao còn đỡ, nhà nào không có tiền nâng nền thì chịu cảnh sống chung với lũ. Tường ngấm nước lâu ngày bị xuống cấp, hư hỏng hết. Do vậy nhiều nhà phải sắm cả máy bơm để hút nước ra ngoài mỗi khi ngập” - bà Thiết cho biết.

* Khó khăn mùa ngập

Tình trạng ngập nước trên các con đường như: quốc lộ 51 (đoạn qua phường Long Bình Tân, An Hòa), Bùi Văn Hòa, Võ Nguyên Giáp (gần vòng xoay Cổng 11)… cũng khiến cho việc xe cộ lưu thông qua đây rất vất vả. Sau các trận mưa lớn, xe cộ ùn tắc nhiều giờ liền. Thậm chí có xe máy còn bị trôi khi cố vượt qua dòng nước chảy mạnh.

Một người làm nghề buôn bán trên đường Bùi Văn Hòa (đoạn gần khu vực Cổng 11, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chờ nước rút.
Một người làm nghề buôn bán trên đường Bùi Văn Hòa (đoạn gần khu vực Cổng 11, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chờ nước rút.

Chị Lưu Thị Hương (ngụ ấp Miễu, xã Phước Tân, công nhân ở Khu công nghiệp Long Bình) cho biết cứ tới mùa mưa là chị ngao ngán. Sợ nhất là mỗi tối tan ca về khuya gặp đường ngập, xe chết máy, các tiệm sửa xe nghỉ làm nên phải dắt bộ cả 2km về nhà rất khổ sở.  

Không chỉ người đi đường mà người dân, các hộ kinh doanh, buôn bán ven đường bao năm qua đều khốn khổ với tình trạng này. Bà Trịnh Thúy Lan (ngụ KP.8, phường Long Bình, buôn bán rau quả ở khu vực chợ Cổng 11) chia sẻ nước dâng cao không chỉ người đi đường khổ mà những người buôn bán cũng sống thấp thỏm. Đã vậy, mỗi khi đường ngập mà xe container, xe tải chạy qua là sóng đánh ào ạt, không đưa hàng lên chỗ cao thì có khi “mất trắng”.

Bên cạnh đó, các trường học trong khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước ở phường Long Bình Tân, xã Phước Tân, việc dạy và học cũng gặp không ít khó khăn. Một trong những trường hợp bị ảnh hưởng nhiều nhất là Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh. Hơn chục năm nay, hễ vào mùa mưa, thầy trò ngôi trường này lại khổ sở khi chống chọi với tình trạng ngập nước.

Ông Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh cho hay cứ sau mỗi lần ngập là bùn đất bao quanh trường, công tác vệ sinh vô cùng gian nan. Đợt ngập nước cách đây không lâu đã làm hơn 20m tường rào của nhà trường ngã đổ. Đến nay, sau nhiều lần xin kinh phí sửa chữa không được, tường rào vẫn còn nằm ngổn ngang trong nỗi lo của cả thầy và trò khi năm học mới bắt đầu.

“Đợt mưa năm ngoái trường bị ngập 10 lần, còn từ đầu năm 2018 đến nay đã 2 lần ngập nặng. Trường lớp hiện tại đã xuống cấp trầm trọng, trước cổng trường nước ngập lênh láng, học sinh đi lại cũng vất vả. Mong mỏi của nhà trường là những khó khăn sớm được giải quyết để thầy cô và học sinh yên tâm giảng dạy, học tập” - ông Vinh phân trần.

Thanh Hải

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,435,307       10/908