Trên địa bàn tỉnh hiện có 113 trạm biến áp được đầu tư xây dựng với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng các trạm biến áp này đang bị "treo" do chưa hạ thế được nên không thể đưa vào khai thác,....
Trên địa bàn tỉnh hiện có 113 trạm biến áp được đầu tư xây dựng với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng các trạm biến áp này đang bị “treo” do chưa hạ thế được nên không thể đưa vào khai thác, nguy cơ gây lãng phí lớn.
Một trạm biến áp “treo” chờ hạ thế tại xã Hưng Thịnh, huyện Thống Nhất. |
Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, các trạm biến áp “treo” này nằm rải rác ở các huyện và TX.Long Khánh. Mục tiêu của tỉnh khi quyết định đầu tư các trạm biến áp là nhằm cung cấp điện sản xuất cho các khu chăn nuôi tập trung, các vùng sản xuất chuyên canh lớn để góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khi các trạm biến áp đầu tư xong, địa phương lại chưa vận động được người dân cùng đóng góp để hạ thế, cho nên có những trạm biến áp đành “treo” từ 2-5 năm nay.
* Khó vận động dân
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) cho biết UBND xã đang chuẩn bị họp các hộ dân trên tuyến đường trung tâm vào cầu Suối Bí 1 để vận động người dân đóng tiền hạ thế sử dụng điện, đây là đợt vận động lần thứ 2. Theo ông Phước, nguyên nhân khiến trạm biến áp ở đây bị “treo” là do thời gian qua người dân đã đóng góp khá nhiều để xây dựng hạ tầng giao thông, thêm phần gần đây nông sản rớt giá, thu nhập giảm sút khiến các hộ dân “ngán” đóng thêm tiền. “Thời điểm khảo sát đường hạ thế mấy năm trước thì giá heo và tiêu đang ở mức cao nên người dân rất hăng hái. Suất đóng góp trung bình của mỗi hộ hơn 10 triệu đồng tại thời điểm này là khá khó khăn. UBND xã cũng đã báo cáo với UBND huyện và ngành điện lực đề xuất cho người dân chia ra đóng làm 2 đợt, như vậy may ra có thể khả thi” - ông Phước nói.
Việc đầu tư hàng loạt trạm biến áp với số tiền từ vài trăm triệu đồng đến gần tỷ đồng/trạm biến áp nhưng lại “treo” nhiều năm gây lãng phí không nhỏ. |
Địa phương có nhiều trạm biến áp chưa được hạ thế nhất tỉnh là huyện Thống Nhất với 23 trạm biến áp. Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện cho hay: “Nguyên nhân chưa vận động được người dân đóng góp tiền làm lưới điện hạ thế vì những khu vực này dân cư thưa thớt, các trại chăn nuôi di dời vào khu khuyến khích phát triển chăn nuôi còn ít nên số tiền phải đóng khá cao”.
Huyện Thống Nhất hiện là “thủ phủ” chăn nuôi của tỉnh, nên tỉnh ưu tiên nguồn vốn làm trước hạ tầng điện để các cơ sở chăn nuôi di dời vào có điện sử dụng. Nhưng vì các trang trại chăn nuôi chậm di dời vào những khu này nên các trạm biến áp đầu tư xong đành phải nằm chờ đến khi các cơ sở chăn nuôi vào nhiều, khi đó mới đóng góp đủ tiền để hạ thế điện, còn chờ đến bao giờ thì các địa phương cũng chưa có câu trả lời chính xác. Phía huyện Thống Nhất hiện đã có kế hoạch hạ thế cho 3 trạm biến áp trong quý I-2019, với 12 trạm biến áp đang vận động người dân góp vốn, còn 8 trạm biến áp thuộc các xã Bàu Hàm 2, Hưng Lộc, Xuân Thạnh vẫn chưa vận động được người dân.
Huyện đứng thứ 2 về số lượng trạm biến áp “treo” là Định Quán. Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú cho biết, huyện cũng đang tập trung xử lý vấn đề này để tránh bị lãng phí. Theo thống kê của huyện Định Quán, hiện có 21 trạm biến áp chưa hạ thế được. Trong đó có 1 trạm biến áp huyện đề nghị ngành điện thu hồi, 12 trạm đã tổ chức họp dân thống nhất khối lượng đầu tư và đang lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và 5 trạm tại xã Phú Ngọc đang được yêu cầu UBND xã khẩn trương tổ chức họp dân để thống nhất đầu tư hạ thế.
Ngoài ra, các địa phương khác cũng có hơn 10 trạm biến áp “treo” như huyện Cẩm Mỹ (13 trạm biến áp), TX.Long Khánh (13 trạm biến áp)...
* Tìm cách tháo gỡ
Theo thống kê, các trạm biến áp “treo” được đầu tư từ năm 2014 trở về trước có 5 trạm; đầu tư năm 2015 có 14 trạm; đầu tư năm 2016 có 36 trạm và đầu tư năm 2017 có 58 trạm. Đại diện Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai cho biết chỉ tính các trạm biến áp cho chăn nuôi và sản xuất đang bị treo là 70 trạm. Theo phương án xử lý các trạm biến áp này, ngành điện lực sẽ phối hợp với Sở Công thương và các địa phương xem xét cụ thể để điều chuyển những đường dây và trạm biến áp “treo” sang những khu vực khác có nhu cầu.
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở đã làm việc với các huyện để tìm cách tháo gỡ những khó khăn trên. Thế nhưng theo quy định, Nhà nước chỉ đầu tư trạm biến áp đường dây trung thế, còn hạ thế lưới điện người dân phải đóng góp và tùy theo khu vực ngân sách địa phương có thể hỗ trợ một phần. Vì vậy, việc hạ thế lưới điện, địa phương cần tăng cường công tác vận động người dân cùng chung sức để thực hiện”.
Liên quan đến việc đầu tư hàng chục tỷ đồng các trạm biến áp nhưng “trùm mền” để đó, ông Phong khẳng định, theo yêu cầu phát triển hạ tầng, kinh tế của các vùng nông thôn mới nên ngành điện lực đã vay vốn để đầu tư các trạm biến áp.
Nhóm P.V kinh tế