Kinh tế

Ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp: Nhiều chính sách "lỗi nhịp"

Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Chính phủ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng đã đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế đất, hỗ trợ về hạ tầng, ưu đãi vốn...

cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, nông dân. 

Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn (huyện Cẩm Mỹ) mong tiếp cận được những chính sách ưu đãi khi đầu tư công nghệ cao vào sản xuất.Trong ảnh: Thu hoạch sung Mỹ tại Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn (huyện Cẩm Mỹ).
Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn (huyện Cẩm Mỹ) mong tiếp cận được những chính sách ưu đãi khi đầu tư công nghệ cao vào sản xuất.Trong ảnh: Thu hoạch sung Mỹ tại Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn (huyện Cẩm Mỹ).

Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn thấp vì DN vẫn chưa thật sự được tiếp sức để mạnh dạn tham gia ngành sản xuất còn nhiều rủi ro này.

* Chính sách nhiều, tiếp cận ít

Thời gian qua, Đồng Nai tập trung cơ cấu lại tổ chức sản xuất theo hướng hình thành các chuỗi liên kết, xây dựng cánh đồng lớn. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã có 33 dự án cánh đồng lớn đăng ký, trong đó có 18 dự án cánh đồng lớn được phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh cũng hình thành được 47 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, chăn nuôi và thủy sản.

Với những kết quả đã đạt được, có thể nói Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước trong triển khai dự án cánh đồng lớn. Tuy nhiên, việc tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh hiện đang chậm lại vì khó thu hút DN đầu tư. Một trong những nguyên nhân chính là do vướng về chính sách.

Một trong những khâu yếu của chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ nông sản hiện nay là các hợp tác xã. Để hợp tác xã phát huy vai trò làm cầu nối của mình khi tham gia chuỗi giá trị nông sản, TS.Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn, cho rằng cần sự đồng bộ về chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã; trong đó, hỗ trợ về vốn tín dụng rất cần thiết. Vì hiện nay, hợp tác xã cần nguồn vốn hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà kho chứa sản phẩm, máy móc phục vụ đánh giá chất lượng, phân loại, bảo quản sản phẩm; nhà xưởng, máy móc phục vụ chế biến...

Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long (ở TP.Biên Hòa) là một trong những đơn vị đi tiên phong đầu tư mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao. DN đã đồng hành cùng nông dân phát triển được những dự án cánh đồng lớn cho cây lúa với quy mô 100 hécta tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán. Tuy nhiên, sau 2 năm duy trì hiện DN này đã bỏ cuộc.

Ông Mai Thăng Long, nguyên Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Địa Long, cho biết: “DN rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ do thủ tục hành chính còn phức tạp, một số quy định trong chính sách chưa sát với thực tế. DN muốn được hỗ trợ phải đầu tư bài bản từ kho chứa, cơ sở chế biến bảo đảm yêu cầu sản xuất kinh doanh... Trong khi đó, những DN nhỏ mới ra thị trường rất khó vay được nguồn vốn lớn để đầu tư cho đạt chuẩn”.

Không chỉ DN mà các hợp tác xã tham gia cánh đồng lớn cũng có nhu cầu vay vốn lớn để đầu tư mở rộng sản xuất nhưng hạn mức cho vay còn thấp và cũng không dễ tiếp cận các nguồn vốn vay. Rồi liên kết giữa DN và nông dân dễ dàng bị phá vỡ cũng là khó khăn không nhỏ. 

Ngoài ra, hàng loạt chính sách ưu đãi cho nông nghiệp khác cũng chủ yếu... nằm trên giấy. Cụ thể, một trong những chương trình được nông dân, DN rất quan tâm là gói cho vay theo Quyết định 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Chương trình này được triển khai từ năm 2013 đến nay nhưng hiện dư nợ chỉ đạt trên 12 tỷ đồng.

Ngay cả những gói chính sách dành cho “nhà giàu”, đa số DN cũng đứng ngoài cuộc. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo các ngân hàng triển khai chính sách giải ngân gói 100 ngàn tỷ đồng cho vay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đến nay không mấy DN tiếp cận được.

Ngành chăn nuôi mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để chuyển hướng đầu tư theo chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa lớn. Ảnh: chụp tại trang trại ở huyện Cẩm Mỹ. Ảnh:  B.Nguyên.
Ngành chăn nuôi mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để chuyển hướng đầu tư theo chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa lớn. Ảnh: chụp tại trang trại ở huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên.

Theo nhiều DN, thời gian qua Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách tốt nhưng điều cần quan tâm nhất hiện nay là “cởi trói” để những chính sách đã có đi vào thực tế.

* Chờ gỡ khó 

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa diễn ra tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 62/2013/QĐ -TTg ngày 25-10-2013 về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Nội dung lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiến nghị là ngoài lĩnh vực trồng trọt, cần bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là vật nuôi, thủy sản. “Vấn đề cấp bách hiện nay cần giải quyết đối với sản xuất nông nghiệp là tiêu thụ sản phẩm và quản lý chất lượng. Chính sách mới cần tập trung hỗ trợ cho khâu yếu nhất trong chuỗi liên kết là chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh trong nội dung kiến nghị. 

Ngoài ra, chính sách mới đang được DN quan tâm nhất hiện nay là Nghị định 57/2018 của Chính phủ vừa công bố với nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: miễn, giảm tiền sử dụng và tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai, tín dụng; hỗ trợ trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, đầu tư hạ tầng...

Theo những DN đầu tư vào nông nghiệp, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành nông nghiệp tuy không thiếu nhưng thường vẫn còn độ chênh khi áp dụng vào thực tế. Doanh nghiệp cũng mong địa phương cần linh động trong việc triển khai chính sách. Những vướng mắc thuộc Trung ương giải quyết, địa phương mong sớm được xem xét, điều chỉnh để chính sách thật sự đi vào thực tế.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,479,355       11/931