Chiến hạm USS Charleston Mỹ nã đại bác vào đảo Guam, nhưng sĩ quan Tây Ban Nha lại tưởng đây là màn chào mừng nên đi tàu ra đón.
Ngày 25/4/1898, chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha nổ ra sau hàng loạt căng thẳng kéo dài giữa hai nước. Sau khi chiến tranh nổ ra, hải quân Mỹ đặt mục tiêu chiến lược là chiếm đảo Guam do Tây Ban Nha kiểm soát, vì nó có thể trở thành căn cứ hậu cần và tiếp tế than đá cho chiến hạm Mỹ trên Thái Bình Dương.
Tây Ban Nha kiểm soát đảo Guam từ thập niên 1660 và cử một đơn vị quân đội đồn trú bảo vệ đảo. Lần cuối cùng chính phủ Tây Ban Nha liên lạc với lực lượng đồn trú trên đảo là vào ngày 14/4/1898, khi chiến tranh với Mỹ chưa nổ ra.
Khi hai nước tuyên chiến, giới chức Tây Ban Nha đã quên thông báo cho binh sĩ tại Guam. Điều này dẫn đến sự cố hài hước trong cuộc chiến và khiến Tây Ban Nha để mất hòn đảo vào tay Mỹ một cách chóng vánh.
Tuần dương hạm USS Charleston dưới quyền chỉ huy của hạm trưởng Henry Glass đang thả neo ở Honolulu thì nhận được lệnh đến Thái Bình Dương cùng một vài tàu vận tải. Trong quá trình di chuyển, họ nhận lệnh mới là tấn công đảo Guam, phá hủy mọi công trình phòng thủ và bắt lực lượng đồn trú ở đây làm tù binh.
Trên đường đi, tuần dương hạm Mỹ diễn tập với tàu vận tải SS City of Peking vì nghe tin đồn có pháo hạm Tây Ban Nha ở Guam. Tuy nhiên, khi nhóm tàu Mỹ áp sát hòn đảo vào ngày 20/6/1898, họ chỉ phát hiện một tàu hàng Nhật Bản đang neo đậu trong cảng.
USS Charleston di chuyển vòng quanh đảo đến khi phát hiện pháo đài Santa Cruz. Hạm trưởng Glass ra lệnh khai hỏa 13 phát đạn đại bác nhắm vào pháo đài để tấn công phủ đầu.
Sau một hồi chờ đợi mà không thấy đối phương bắn trả, tàu chiến Mỹ quyết định thả neo để kiểm soát bến cảng. Sự tĩnh lặng trên đảo khiến hạm trưởng Glass hoang mang, nên ông quyết định cử sĩ quan lên tàu hàng Nhật Bản neo đậu gần đó để tìm hiểu tình hình.
Khi sĩ quan trên chuẩn bị xuất phát thì một tàu mang cờ Tây Ban Nha tiếp cận tuần dương hạm Mỹ. Hạm trưởng Glass ngạc nhiên khi thấy bốn người Tây Ban Nha, gồm đại úy Garcia Gutierrez, chỉ huy cảng và bác sĩ Romero phụ trách y tế cảng Guam, bước lên tàu Charleston để "thể hiện tình hữu nghị và đón khách".
Hóa ra lực lượng phòng thủ trên đảo tưởng rằng 13 phát đại bác của tàu chiến Mỹ là màn "chào hỏi" chứ không phải loạt đạn tấn công. Họ còn xin lỗi hạm trưởng Glass vì không còn thuốc súng để "đáp lễ".
Họ sau đó hỏi xin thuốc súng của tàu Mỹ để có thể trở lại bờ và bắn đại bác đáp lễ theo nghi thức trang trọng. Những sĩ quan Tây Ban Nha thậm chí còn hỏi thăm sức khỏe thủy thủ đoàn Mỹ và trò chuyện thân thiện.
Tuy nhiên, hạm trưởng Mỹ sau đó thông báo cho họ rằng hai nước đã tuyên chiến và ông đang có kế hoạch đánh chiếm Guam. Glass tuyên bố 4 sĩ quan Tây Ban Nha này đã trở thành tù binh ngay khi họ đặt chân lên chiến hạm Mỹ.
Qua khai thác thông tin từ "tù binh", Glass biết được rằng lực lượng phòng thủ đảo chỉ có 54 binh sĩ Tây Ban Nha và 54 dân bản địa trang bị súng trường đời cũ. Bốn khẩu pháo ở pháo đài Santa Cruz gần như hư hỏng hoàn toàn và cũng không có thuốc súng.
Glass cho phép 4 sĩ quan Tây Ban Nha quay lại đảo với nhiệm vụ thông báo cho Thống đốc đảo Guam Juan Marina về chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha và yêu cầu quan chức này lên tàu USS Charleston ngay lập tức để thảo luận điều khoản đầu hàng.
Thống đốc Marina trả lời rằng ông không thể lên tàu Mỹ theo luật quân sự Tây Ban Nha, nhưng sẽ chào đón và đảm bảo an toàn cho hạm trưởng Glass lên đảo. Chiến hạm Mỹ sau đó cử đại úy William Braunersreuther lên đảo để thông báo cho phía Tây Ban Nha rằng họ có 30 phút để đầu hàng.
Marina gửi thư hồi đáp sau 29 phút. Bức thư được mở ngay tại chỗ dù bản thân ông không muốn điều đó diễn ra. "Không được bảo vệ và không có công cụ để đối phó tình hình hiện tại, tôi rất buồn vì không thể chống lại lực lượng áp đảo và tuân thủ theo yêu cầu phía các ngài. Tôi phản đối hành động bạo lực, nhất là khi không nhận được thông báo của chính phủ về việc đang chiến tranh với nước các ngài", bức thư có đoạn viết.
Thống đốc Marina sau đó viết thư cho vợ trước khi ông và các binh sĩ Tây Ban Nha khác bị bắt làm tù binh.
Lực lượng Mỹ đổ bộ lên đảo Guam và treo cờ trên pháo đài. Hạm trưởng Glass quyết định không phá hủy bất cứ thứ gì bởi chúng đã đổ nát từ lâu. Các thủy thủ tàu USS Charleston dành cả ngày còn lại để chất than đá trên đảo lên tàu và rời đi sau khi bổ nhiệm một người dân Guam làm thống đốc tạm quyền cho đến khi có quan chức Mỹ đến tiếp quản.
Duy Sơn (Theo WATM)
Guam, Mỹ, Tây Ban Nha, Sự kiện lịch sử, Tư liệu