Thế giới

Luật hải cảnh Trung Quốc được ví như 'bom hẹn giờ'

Chuyên gia quốc phòng Philippines nhận định luật hải cảnh Trung Quốc mới thông qua vi phạm luật quốc tế, không khác gì "bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào".

Trung Quốc ngày 22/1 thông qua luật hải cảnh, cho phép lực lượng này sử dụng "mọi phương tiện cần thiết", kể cả việc nổ súng, để ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.

Đạo luật còn cho phép hải cảnh Trung Quốc được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Hải cảnh Trung Quốc còn được trao quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.

Tàu tuần tra lớn nhất thế giới Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC.

Tàu tuần tra lớn nhất thế giới Hải cảnh 3901 của Trung Quốc. Ảnh: CGC.

Theo Fernando Hicap, chủ tịch Pamalakaya, một liên đoàn của ngư dân Philippines, luật hải cảnh Trung Quốc "mâu thuẫn với nguyên tắc tự do hàng hải được luật hàng hải quốc tế công nhận".

Trong một tuyên bố, ông cảnh báo đạo luật này "không khác gì lời tuyên chiến" đối với các bên tranh chấp hợp pháp đối với các vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Nhà phân tích quốc phòng Chester Cabalza, chuyên gia tại Đại học Quốc phòng Philippines, gọi luật hải cảnh mà Trung Quốc mới thông qua là "quân bài thay đổi cuộc chơi" bởi nó biến một lực lượng có nhiệm vụ trị an, tìm kiếm cứu nạn thành một công cụ hăm dọa của quân đội.

Hicap đánh giá với đạo luật mới, "hải cảnh Trung Quốc giờ đây có thể bắn bất cứ ai, dù có vũ trang hay không, trong vùng lãnh hải mà họ tuyên bố chủ quyền trái phép". "Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngư dân Philippines", ông nói.

Chuyên gia phân tích Cabalza thêm rằng các ngư dân Philippines vốn đã bị hải cảnh Trung Quốc thường xuyên "quấy rối". "Một khi luật mới có hiệu lực, nó sẽ tạo ra tâm lý phản kháng và làm suy yếu ý chí của người dân chúng tôi", ông cho biết. "Khi luật có hiệu lực, người dân Philippines... sẽ cảm thấy căm ghét Trung Quốc".

Theo cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio, luật hải cảnh của Trung Quốc "vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc cấm sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc lãnh hải".

Việc Trung Quốc trao quyền cho lực lượng hải cảnh phá hủy các thực thể của nước ngoài cũng tiềm ẩn nguy cơ làm leo thang căng thẳng. Philippines năm 1999 đã neo con tàu từ thời Thế chiến II Sierra Madre trên bãi Cỏ Mây thuộc Biển Đông và điều quân tới đây đồn trú nhằm tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Manila năm 2014 đã khước từ yêu cầu di dời con tàu từ phía Bắc Kinh.

Luật mới cho phép hải cảnh Trung Quốc phá dỡ tàu Sierra Madre song giới phân tích nhận định hành động này nhiều khả năng sẽ làm nảy sinh xung đột.

"Một cuộc tấn công vũ trang vào tàu Sierra Madre sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines", cựu thẩm phán Philippines Carpio cho hay, đề cập tới hiệp ước quân sự giữa Manila và Washington, theo đó một trong hai quốc gia sẽ có trách nhiệm hỗ trợ nước kia nếu họ bị tấn công bởi bên thứ ba.

"Nếu Trung Quốc dùng vũ lực bảo vệ lãnh thổ, lực lượng hải cảnh lớn nhất thế giới của họ sẽ trở thành một quả bom hẹn giờ có nguy cơ phát nổ bất cứ lúc nào. Nó ngụ ý rằng Trung Quốc có thể gây chiến với bất kỳ quốc gia nào đe dọa lợi ích hàng hải của họ", Cabalza nhận xét. "Việc sử dụng lực lượng hải cảnh để bảo vệ các đường biên giới trên biển là dấu hiệu cho thấy một cuộc chiến có thể nổ ra".

Những năm gần đây, chiến lược hàng hải của Bắc Kinh cho thấy lực lượng hải cảnh Trung Quốc ngày càng được giao thêm nhiều vai trò mang tính hiếu chiến. Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu chế tạo tàu tuần duyên lớn nhất thế giới nhằm tuần tra Biển Đông. Con tàu vũ trang lớn đến mức được các nhà phân tích quốc phòng đặt tên là "quái vật".

Mỹ trong khi đó cũng phản ứng bằng cách tập trung phát triển lực lượng tuần duyên. Washington đã lên kế hoạch triển khai tàu tuần duyên "phản ứng nhanh" đến Biển Đông để "bảo vệ lợi ích của Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực".

"Luật mới tạo nền tảng cho các hành động đơn phương và cưỡng ép nhằm hủy hoại chủ quyền của các quốc gia đi ngược lại ý muốn của Trung Quốc", nhà phân tích Cabalza đánh giá. "Nó ngụ ý rằng Trung Quốc là ông chủ duy nhất ở các vùng biển tranh chấp và các quy tắc mà họ đặt ra phải được tuân thủ, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả".

Hicap từ Pamalakaya kêu gọi chính phủ Philippines "dứt khoát phản đối đạo luật này và bảo vệ người dân Philippines trước những hành vi gây hấn từ Trung Quốc". Thượng nghị sĩ Philippines Rita Hontiveros gọi việc Bắc Kinh thông qua luật hải cảnh là một "diễn biến rất tiêu cực".

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. ngày 27/1 cho biết ông đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc vì thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng với tàu nước ngoài.

"Sau khi xem xét, tôi đã gửi công hàm phản đối", Ngoại trưởng Locsin thông báo trên Twitter. "Dù ban hành luật là quyền của mỗi quốc gia, việc thông qua luật này... là lời đe dọa chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào không tuân theo", ông nhấn mạnh.

"Tôi tin rằng luật hải cảnh mới của Trung Quốc chỉ nhằm đe dọa các bên tranh chấp khác và không nhất thiết họ phải sử dụng vũ lực ngay từ đầu", cựu quan chức hải quân Philippines Antonio Trillanes nhận định. "Tuy nhiên, nó chắc chắn sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm trên Biển Đông".

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

VNExpress

luật hải cảnh, Trung Quốc, căng thẳng, bom hẹn giờ, Biển Đông, Chính trị xã hội thế giới, Phân tích, Tin nóng


© 2021 FAP
  3,530,713       2/1,118