Giáo dục

Vượt lên nghịch cảnh với thành tích 5 năm là học sinh giỏi

Sớm mất cha, bị mẹ bỏ rơi, Nghĩa sống với bà nội già yếu. Tuy nhiên, em vẫn cố gắng chăm ngoan, học giỏi và luôn là niềm tự hào của bà.

Em Trần Quang Nghĩa là học sinh lớp 5D, Trường THCS xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

vuot-qua-nghich-canh-voi-thanh-tich-5-nam-la-hoc-sinh-gioi

Bố Nghĩa bị tai nạn mất khi em còn trong bụng mẹ. Năm Nghĩa chưa đầy 2 tuổi thì mẹ bỏ lại em và đi biệt tăm. Từ đó đến giờ, Nghĩa sống với bà nội. Bà nội Nghĩa đã gần 70 tuổi, quanh năm lam lũ với ruộng đồng. Hai bà cháu sống trong ngôi nhà cấp bốn được xây từ những năm 70.

Gần chục năm nay, hai bà cháu nương tựa vào nhau sống qua ngày. Bà em bảo, từ ngày có Nghĩa ra đời thì cuộc sống thiếu thốn lắm. Mẹ Nghĩa ra đi chẳng để lại gì. Nghĩa sớm mất cha và bị mẹ bỏ rơi nên ốm quặt quẹo và hay quấy khóc. Với bao nỗi đau sớm mất con, bà đành nuốt nước mắt vào trong, ngược xuôi nuôi cháu khôn lớn. Bà bảo nhiều lúc giữa căn nhà thưa bòng người này, bà định bỏ cuộc đời cho xong. Nhưng nghĩ đến cháu thì bà lại thôi. Điều lo lắng nhất của bà là không biết có sống được đến khi Nghĩa trưởng thành không?

Niềm an ủi lớn nhất của bà nội là Nghĩa càng lớn càng ngoan. Từ khi biết cắp sách đến trường, em đã biết phụ giúp bà việc nhà. Lớn hơn một chút, Nghĩa biết theo ra đồng gặt lúa. Một bác hàng xóm của em nhận xét: “Nhìn vậy thôi mà thằng Nghĩa khéo lắm đấy. Hồi mới 8 tuổi, bà cắt lúa đến đâu là nó vác lên đường đến đấy nhé. Cứ từng bó con con mà cũng hết cả sào đấy. Trẻ con nhiều đứa tuổi này có khi ăn còn phải dỗ ấy chứ?”.

Vì nhà gần khu công nghiệp Đồng Văn nên hai bà cháu nhờ người làng nhận giúp vàng mã và vỏ hộp về gập dán để kiếm thêm thu nhập. Ngày nào làm cật lực cũng kiếm được hơn hai chục nghìn đồng. Tuy việc không thường xuyên và đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng bà cháu vẫn cố gắng làm. Bà còn bảo: "Thằng Nghĩa từ nhỏ đã toàn mặc đồ cũ của bà con làng xóm cho". Chẳng điều gì làm Nghĩa phiền lòng. Em cười bảo cô giáothường dạy tuổi nhỏ làm việc nhỏ, kiếm đồng tiền trong sạch là vinh quang lắm. Tôi rất ngạc nhiên khi ở cái tuổi lên mười mà Nghĩa đã có những suy nghĩ chín chắn như thế.

Đều làm Nghĩa thấy hãnh diện và luôn lạc quan là 5 năm liền em đều đạt học sinh giỏi của trường. Em cũng rất tích cực tham gia các hoạt động Đội. Nghĩa bảo rằng em mơ lớn lên sẽ trở thành một chú bộ đội ngoài đảo xa, em thương các chú lắm. Ngoài đó các chú cực khổ lắm, mà em chịu khổ cũng quen rồi.

Khi tôi hỏi Nghĩa có thương bà không, em rơm rớm nước mắt. Không ngờ cậu bé cứng cỏi trong mắt tôi lại tình cảm thế. Em bảo lo cho bà lắm. Bà em hay bị đau dạ dày, chẳng ăn uống được gì. Bà còn bị đau xương khớp nữa, tối nào đi làm vè em đều phải bóp chân, bóp tay cho bà. Bà đau nhức là đêm không ngủ được. Mắt bà cũng kém lắm. Hai mắt bà lúc nào cũng cay, chập tối là không nhìn được gì. Nhiều lần em lấy xe đạp chở bà ra bệnh viện tỉnh để khám, nhưng đến cổng rồi bà lại đòi về vì sợ tốn tiền. Nghĩa chỉ ước rằng bà không bị đau yếu để luôn sống vui vẻ. Nghĩa bảo sau này lớn lên em sẽ làm tất cả mọi việc để nuôi bà.

Có lẽ con đường phía trước của hai bà cháu Nghĩa còn rất gian nan. Mong rằng may mắn sẽ luôn mỉm cười với cậu bé hiếu thảo. Mong rằng những vòng tay nhân ái sẽ luôn mở rộng đối với em.

Đặng Thị Vân

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,050,440       2/923