Giáo dục

GS Ngô Bảo Châu: Lựa chọn học tiếng Trung Quốc là 'tiến bộ'

Ủng hộ việc cho học sinh được lựa chọn một trong 5 ngoại ngữ thứ nhất, trong đó có tiếng Trung, GS Ngô Bảo Châu lý giải: “Để tồn tại bên nách Trung Quốc, chúng ta không có lựa chọn nào khác là hiểu văn hóa của họ".

Quan điểm của giáo sư Ngô Bảo Châu về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm học tiếng Trung, tiếng Nga như ngoại ngữ thứ nhất được đăng trên Facebook cá nhân ngày 24/9. Giáo sư viết: "Hiển nhiên việc trẻ con có thể chọn một trong 5 sinh ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là tiến bộ. Hiển nhiên trong số 5 sinh ngữ đấy phải có tiếng Trung".

Và ông giải thích: "Để tồn tại bên nách Trung Quốc, chúng ta không có lựa chọn nào khác là buôn bán với họ, nếu có lãi thì tốt, hiểu văn hoá của họ, nếu hiểu họ hơn họ hiểu ta thì tốt".

giao-su-ngo-bao-chau-ung-ho-hoc-tieng-trung-quoc

Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng học tiếng Trung nhằm hiểu được văn hóa Trung Quốc và mở rộng buôn bán với họ. Ảnh: Facebook nhân vật

Giáo sư Châu cũng lý giải vì sao học sinh Việt Nam phải chọn tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất "bởi Mỹ là nước giàu nhất thế giới, cũng như từng phải học tiếng Nga vì Liên Xô vĩ đại từng là mô hình để cả nhân loại dõi theo".

Hơn 7.600 lượt thích và gần 500 lượt đã chia sẻ quan điểm của giáo sư Ngô Bảo Châu trên mạng xã hội. Tài khoản Hoa Tran cho biết từng kiếm được công việc ở lại Mỹ là do biết tiếng Trung, vì họ cần người phát triển công ty ở khu vực châu Á. "Học tiếng Trung giờ khá mốt với các bạn Việt Nam du học ở Mỹ. Một số gia đình Mỹ còn cho con sang Nhật, Hàn, Trung Quốc cả mùa hè từ lớp 10, 11 để có cơ hội học thêm ngoại ngữ. Học một ngôn ngữ có rất nhiều người sử dụng trên toàn thế giới thì cơ hội giao lưu nhiều lên, còn việc chọn học ngôn ngữ gì là do sở thích và nhu cầu mỗi người", người này chia sẻ.

Bên cạnh đó, không ít người cho rằng "ai thích học thì học, không cần phổ cập". Theo tài khoản Xuan Hung Lai, cái mà người dân và dư luận hoang mang là ngành giáo dục luôn đưa ra các dự án thí điểm chưa phù hợp với giáo dục Việt Nam, cần tham khảo các nước phát triển và các nước đang phát triển, lắng nghe ý kiến của chuyên gia và dư luận.

Đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất, bên cạnh tiếng Anh và tiếng Pháp. Việc dự định xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017, đã làm dấy lên dư luận trái chiều.

Phần đông độc giả cho rằng trong bối cảnh 95,9% tài liệu khoa học, công nghệ, xã hội nhân văn của nhân loại được xuất bản bằng tiếng Anh thì nên để học sinh Việt Nam học tiếng Anh.

Phiêu Linh

VNExpress

học tiếng Trung, giáo sư Ngô Báo Châu, Bộ Giáo dục và Đào tạo


© 2021 FAP
  1,050,635       2/925