Giáo dục

Cậu bé thiếu máu quyết tâm vượt khó đến trường

10 năm dài phải đi truyền máu nhưng Đại vẫn luôn bám trường, lớp và nuôi ước mơ được cắp sách đến trường mỗi ngày.

Trường THCS Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang nằm lọt thỏm giữa bao la núi rừng. Đó là nơi em Ma Quốc Đại, cậu bé mang trong mình căn bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh đang theo học lớp 7.

Từ trường về đến nhà Đại khoảng 6km, nhưng tôi phải mất gần một tiếng để đi hết quãng đường ấy. Tôi phải vượt qua 2 con suối, mấy con dốc cao, men theo con đường mòn vòng vèo, uốn lượn quanh những quả đồi, rồi lại gửi xe ở dưới chân đồi, đi bộ, leo dốc mới đến được nhà Đại. Người bình thường đi còn thấy mệt. Vậy mà cứ cuối tuần Đại vẫn cố gắng đạp xe về nhà lấy gạo, củi mang xuống trường. Chỉ hôm nào mệt lắm Đại mới không về nhà, nhưng lúc ấy bố mẹ lại xuống thăm và "tiếp tế" cho em.

cau-be-thieu-mau-quyet-tam-vuot-kho-den-truong

Trong căn nhà sàn đơn sơ, ọp ẹp, anh Ma Văn Hiện (bố Đại) buồn bã chia sẻ: "Khi được sinh ra, Đại là hy vọng duy nhất trong gia đình bởi chị gái của em đã bị mắc bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh". Anh cho biết thêm, niềm vui chẳng được bao lâu thì năm lên 2 tuổi, Đại có biểu hiện giống chị gái với hơn 10 năm phải gắn liền với bệnh viện.

Mỗi lần hai chị em Đại đi viện thì bố mẹ lại chạy khắp nơi để vay tiền, rồi hàng tháng lại chắt chiu, dành dụm trả nợ và để dành cho hai con đi chữa bệnh. Ở nơi hoang vu rừng núi, nhà cách nhà cả cây số, gia đình em chỉ lên nương làm rẫy, năm được mùa, năm không. Vì thu nhập bấp bênh nên hiện nhà Đại ngày càng nghèo, nợ chồng nợ, khó khăn chồng chất khó khăn.   

Héo mòn vì lo cho các con, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc nên bố mẹ Đại mới 38 tuổi mà trông rất già. Điều mà hai anh chị đau lòng nhất chính là dù có duy trì được việc truyền máu và dùng thuốc thải sắt thường xuyê, thì hai chị em Đại cũng chỉ kéo dài sự sống trong một thời gian nhất định. Với hy vọng còn nước còn tát, nên dù việc điều trị rất tốn kém, lâu dài nhưng bố mẹ Đại vẫn cố gắng chạy lo cho hai chị em, chỉ mong sao kéo dài sự sống cho hai con càng lâu càng tốt.

Để bớt gánh nặng chi phí cho bố mẹ, nên từ lúc Đại học lớp 2, hai chị em đã tự đưa nhau đi viện. Tôi không thể hình dung hai đứa bé, đứa chị mười ba, thằng em lên tám vượt quãng đường 360km cả đi và về để xuống Viện Huyết học Trung ương truyền máu. Cả hai tự nhập viện, tự chăm sóc nhau. Tháng nào ít thì một lần, nếu ốm thì 2-3 lần, nắng cũng như mưa, đông cũng như hè.

Người dân trong xã và thầy cô, bạn bè trong trường đã quen với cảnh cứ đầu tháng, sau khi đi viện về thì hai chị em của Đại hồng hào, khỏe hơn. Hai em gặp ai cũng chào ngay từ xa, trong lớp hăng hái xây dựng bài, cười đùa vui vẻ. Nhưng cứ đến cuối tháng thì hai bóng dáng ấy vật vờ, da vàng bệch, đến nói chuyện còn mệt, thở không ra hơi...

Trường của Đại là bán trú, nên các em ăn, ở, học tập đều tập trung một chỗ. Vì thế Đại phải học cách tự chăm sóc mình, từ vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, rửa bát, quét nhà... Nhiều lần mệt quá các bạn lại thay nhau giúp Đại. Có lần Đại ốm, thầy cô khuyên gia đình nên cho Đại ở nhà. Tuy nhiên, em đã khóc và không chịu. Em thích đi học. Dù sức khỏe yếu nhưng em vẫn bám trường, bám lớp chứ nhất định không nghỉ học. Vì thế thầy cô và các bạn càng thương Đại hơn, quan tâm chăm sóc em nhiều hơn. Chỉ lúc nào Đại mệt quá thì cô và các bạn lại đưa em ra trạm xá, rồi liên lạc về nhà để bố mẹ lên đưa em đi viện.      

Tôi vừa thương vừa khâm phục cậu bé dù đang mang căn bệnh "vô phương cứu chữa", sự sống mong manh tính bằng ngày, bằng tháng. Có thể hôm nay em khỏe hơn chút, nhưng ngày mai lại không biết ra sao. Tình cảnh như vậy nhưng lúc nào em cũng chỉ muốn được đi học. Mong chương trình hỗ trợ cho Đại và gia đình vơi bớt khó khăn để em có thể tiếp tục đến trường.

Phạm Thị Dịu

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,050,623       1/924