Thời tiết thất thường, sâu bệnh khiến hoa Tết năm nay đứng trước nguy cơ mất mùa. Người trồng hoa vừa chờ Tết vừa run bởi giá cả thị trường cũng rất khó lường
Còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, đây cũng là thời điểm các nhà vườn chạy nước rút để chuẩn bị lứa hoa phục vụ Tết. Tuy nhiên, tâm trạng của nhiều nhà vườn từ Lâm Đồng đến ĐBSCL phấn khởi thì ít, hồi hộp thì nhiều.
Méo mặt với thời tiết
Năm nay, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp có khoảng 2.000 hộ dân trồng hoa Tết với tổng diện tích hơn 75 ha. Tuy nhiên, do thời tiết nắng mưa thất thường làm sâu bệnh phát triển, kéo theo năng suất của nhiều vườn hoa giảm 5%-10%, cá biệt có nơi lên đến 30%.
“Gia đình tôi đầu tư hơn 300 triệu trồng cho 10.000 sản phẩm hoa kiểng, ước tính lời một khoản kha khá nếu thuận lợi như mọi năm. Nhưng năm nay thời tiết không ổn, xuất hiện nhiều sâu bệnh. Vụ hoa Tết này, hy vọng giá cả được như mọi năm thì gia đình tôi sẽ thu lại vốn, có đồng lời để tái đầu tư cho vụ sau. Nếu không thì đành đợi năm sau vậy” - ông Trịnh Văn Tấn - người trồng hoa ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc - lo lắng.
Không bị sâu bệnh tấn công nhưng nhiều vườn mai năm nay cũng bị thời tiết thất thường làm rụng lá, bung nụ từ cuối tháng 11 âm lịch. Vào những ngày này, đi dọc Quốc lộ 57, đoạn từ thị trấn Chợ Lách đến xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, chúng tôi thấy sắc vàng của mai đã lác đác khắp nơi.
Các nhà vườn trồng mai Tết ở Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Vĩnh Long cũng đang gặp tình trạng tương tự, dự kiến thất thu hàng trăm triệu đồng. Ông Đặng Văn Bảy ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chủ một vườn mai trên 5.000 cây (đa số là mai trung, giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/cây), cho biết vườn của ông sẽ thất thu 20% - 50% do mai nở sớm hơn dự kiến.
Thời tiết năm nay đặc biệt tác động mạnh lên các nhà vườn ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Riêng với người trồng địa lan, phần lớn đã xác định mất mùa hoa Tết bởi hiện hầu hết hoa đã nở rộ, có vườn nở tới 90% diện tích.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ nông trại địa lan có quy mô lớn ở Đà Lạt, cho biết năm nay, vườn hoa 4 ha của gia đình ông coi như mất trắng khi từ tháng 10, chúng đồng loạt đơm hoa. Để vớt vát chút vốn, gia đình ông đành cắt hoa đem bán, giá cao nhất cũng chỉ 70.000 đồng/cành.
Như ngồi trên đống lửa
Làm hoa Tết, lời hay lỗ không chỉ phụ thuộc vào thời tiết mà còn giá cả thị trường. Xã Hiệp An, huyện Đức Trọng là nơi trồng hoa lay ơn phục vụ thị trường Tết lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với diện tích 245 ha. So với năm trước, diện tích hoa lay ơn năm nay tại địa phương có phần tăng hơn.
Theo ông Vương Hưng Tuân, cán bộ khuyến nông xã Hiệp An, nguyên nhân khiến diện tích lay ơn năm nay tăng là do năm 2014, giá loại hoa này bỗng cao đột biến, lên tới 4.500 đồng/bông. Dù được mùa hoa nhưng những ngày này, tâm trạng của các hộ trồng hoa ở Hiệp An như ngồi trên đống lửa.
“Gia đình tôi làm gần 1 ha lay ơn, chi phí đầu tư hết 200 triệu đồng. Đây là số tiền gia đình dành dụm được và đi vay thêm. Tôi không kỳ vọng giá hoa lay ơn sẽ cao như năm ngoái, chỉ cần 2.000 đồng/bông là có lãi” - chị Vũ Thị Thảo, một người trồng lay ơn ở Hiệp An, mong mỏi.
Theo chị Thảo, đã trồng hoa Tết thì không nói trước được điều gì. Nhiều năm, chỉ sau một đêm là giá hoa từ đắt đỏ trở nên rẻ mạt. “Tiền nắm trong tay rồi mới dám chắc là vụ hoa này mình lời lãi bao nhiêu” - chị Thảo khẳng định.
Theo bà Trương Thị Hồng, người đã hơn 30 năm kinh nghiệm trồng lay ơn ở xã Hiệp An, có năm, hoa lay ơn Tết đụng chợ không bán được phải nhổ bỏ, nhà vườn lâm cảnh trắng tay phải cầm cố nhà cửa.
Ông Nguyễn Khoa Nam - một người trồng mai có kinh nghiệm ở làng mai Vĩnh Phú, huyện Chợ Lách - cho rằng muốn có một cây mai đẹp chưng tết, người trồng phải mất 2-3 năm bón phân, tưới nước, cắt tỉa, uốn sửa, tạo dáng… Vì vậy, thị trường tiêu thụ và giá cả luôn là mối quan tâm hàng đầu của người trồng mai. Nếu bán không được hoặc giá quá thấp thì công cán bao nhiêu năm coi như công cốc.
Theo ông Trần Công Định, một người chuyên trồng mai ở huyện Chợ Lách, Tết nào gia đình ông cũng tung ra thị trường trên 2.000 chậu mai nhỏ có giá 80.000 - 120.000 đồng/chậu, thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng. Tuy nhiên, đến giờ này, các thương lái vẫn còn chần chừ chưa dám nhận hàng với số lượng lớn.
Hoa đẹp là được!
Ông Nguyễn Văn Thắng - một nông dân trồng hoa cúc theo hướng công nghệ cao tại phường 12, TP Đà Lạt - cho rằng vào thời điểm này, nói đến chuyện lời lỗ là quá sớm. Hiện ông và hàng trăm nhà vườn khác chỉ huy động hết nhân lực, tài lực để làm sao đưa ra thị trường hoa Tết những sản phẩm chất lượng nhất.
Cũng như vậy, mấy ngày nay, gia đình chị Trần Thị Thanh Thảo - ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc - tập trung hết mọi sức lực cho hơn 4.000 m2 hoa kiểng Tết đang vươn nụ. “Những chậu hoa cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cát tường đã được phân loại và sắp xếp thẳng hàng chờ thương lái đến chuyển lên xe đưa đi tiêu thụ. Tết này, tôi sẽ đưa ra thị trường khoảng 10.000 chậu hoa”.
Một hộ trồng hoa khác ở Tân Quy Đông, gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa, thì đang tăng cường các biện pháp kỹ thuật để canh cho vườn hoa rộng hơn 2.000 m2 với đủ chủng loại như cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, lan ý mỹ, cát tường... nở đúng dịp Tết.
Bưởi bàn tay Phật bị làm giá
Theo nhận định của một số thương lái, Tết năm nay, bưởi bàn tay Phật (còn gọi là bưởi Cát Tường) sẽ ghi dấu ấn trên thị trường giống như bưởi hồ lô khi mới “ra lò”. Tuy nhiên, cũng tương tự bưởi hồ lô trước đây, bưởi bàn tay Phật đang bị một số người hét giá khi chưa xuất hiện trên thị trường. Theo đó, có thông tin loại bưởi này sẽ có giá 4-5 triệu đồng/quả.
“Đó chỉ là chiêu PR mà thôi. Bởi lẽ những năm trước, giá bưởi hồ lô cũng được hét lên cao khiến nhiều người ái ngại khi mua, dẫn đến việc nhiều tiểu thương ôm hàng vì không bán được. Năm nay, đến lượt bưởi bàn tay Phật lặp lại điệp khúc ấy” - một tiểu thương chuyên kinh doanh trái cây Tết ở TP Cần Thơ nhận định.