Công nghệ thông tin

Cung cấp thông tin trên báo chí: Phạt nặng nếu sai sự thật

Đối tượng bị xử phạt là cá nhân, tổ chức, cơ quan khác (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo)

Bộ Tư pháp sẽ xin ý kiến Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật (dự thảo nghị định). Đáng chú ý là trong đó có việc bổ sung vào Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, trong đó có việc xử phạt người cung cấp thông tin sai cho báo chí.

Phạt tới 100 triệu đồng

Theo Bộ Tư pháp, sở dĩ có việc điều chỉnh này là do vừa qua dư luận phản ánh nhiều về tình hình xử phạt báo chí. Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát các bài báo phản ánh tình hình này, qua đó nhận thấy nội dung các báo đề cập là hành vi đưa tin sai sự thật được quy định tại nhiều nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước với mức phạt khác nhau.

Phóng viên tác nghiệp tại buổi họp báo về tình hình Biển Đông do Bộ Ngoại giao tổ chức Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Phóng viên tác nghiệp tại buổi họp báo về tình hình biển Đông do Bộ Ngoại giao tổ chức Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Cụ thể, Báo Đời sống Pháp luật có bài “Chủ tịch xã cũng có quyền xử phạt báo chí”; Báo Pháp Luật online có bài “Loạn cơ quan xử phạt báo chí”; Báo Infonet có bài “Đừng đối xử với báo chí như địch họa, thiên tai”; Báo Dân Trí có bài “Cơ quan nhà nước “chen chân” xử phạt báo chí”; Báo Thanh Niên online có bài “Ai nhanh chân hơn thì được... xử phạt”, “Ai cũng được xử phạt báo chí? Đi ngược xu thế chung”. Mặt khác, các báo cũng phản ánh pháp luật hiện hành quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi thông tin sai sự thật của báo chí.

Từ đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức các cuộc họp liên ngành để trao đổi về vấn đề một số báo phản ánh trong thời gian vừa qua. Đa số các bộ đều thống nhất cho rằng mục đích của việc quy định hành vi liên quan đến thông tin sai sự thật trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là phạt cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, do mô tả hành vi tại các nghị định chưa thật sự rõ ràng nên có thể hiểu phạt đối với cơ quan báo chí và nhà báo. Do vậy, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung theo hướng mô tả rõ hơn hành vi như cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật. Đối tượng bị xử phạt đối với các hành vi vi phạm này là cá nhân, tổ chức, cơ quan khác (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo).

Bộ Tư pháp cho biết dự thảo nghị định bổ sung rất nhiều quy định liên quan đến một số nghị định hiện hành, trong đó có Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Đáng chú ý, dự thảo nghị định đề xuất Chính phủ bổ sung điều 8a sau điều 8 của Nghị định 159, với các mức phạt khá cao. Trong đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố; phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ... gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường...

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có văn bản góp ý

Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 16-1, một cán bộ Thanh tra Báo chí - Xuất bản thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) khẳng định: “Dự thảo do Bộ Tư pháp đang xây dựng quy định xử phạt cán bộ có chức năng cung cấp thông tin báo chí như người phát ngôn nhưng đưa thông thông tin sai lệch, gây hậu quả. Còn báo chí vẫn có quyền bảo vệ nguồn tin theo quy định của Luật Báo chí”.

Tuy nhiên, cũng theo vị này, các mức phạt do Bộ Tư pháp đề xuất sẽ làm phá vỡ sự hợp lý trong các mức phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí. “Nếu đề xuất phạt tối đa tương đương với hành vi vi phạm cao nhất trong lĩnh vực báo chí như “phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc” sẽ tạo tiền lệ để các lĩnh vực khác như y tế, hạt nhân... cũng viện dẫn lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân mà đề xuất tăng mức phạt, dẫn đến cơ quan lập pháp sẽ suốt ngày chạy theo sửa nghị định. Mức phạt như Nghị định 159 hiện hành là phù hợp, không cần thiết phải nâng lên” - vị này giải thích.

Hiện Bộ TT-TT đã họp góp ý về dự thảo nghị định này. Dự kiến văn bản góp ý sẽ được Vụ Pháp chế hoàn chỉnh để lãnh đạo Bộ TT-TT phê duyệt gửi đến Bộ Tư pháp.

Nguồn tin sẽ khó cởi mở

Theo ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED), các vấn đề xử phạt trên không phải là vấn đề thuộc thẩm quyền chính sách hành chính. Người phát ngôn trên báo, đài không thuộc thẩm quyền xử phạt của Nghị định 159/2013/NĐ-CP. Do đó, Bộ Tư pháp nên cân nhắc khi đưa vào các chế tài hành chính. “Hơn nữa, xét về mặt hoạt động nghề nghiệp, mức xử phạt cao như vậy rõ ràng sẽ khiến nguồn tin khó mà cởi mở hơn với báo chí vì sợ bị phạt” - ông Trần Nhật Minh nhận định.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,161,422       1/926