Công việc của những người thợ lò than luôn hết sức vất vả lại thường xuyên đối mặt rủi ro. Bởi thế, ai cũng rèn tính kỷ luật như người lính nhưng không thiếu sự lãng mạn, tinh nghịch...
Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi vào lò khai thác than nên cảm giác háo hức lẫn hồi hộp cứ đan xen, nhất là khi xuống một trong những đáy lò sâu nhất Việt Nam hiện nay. Đó là đáy lò giếng đứng phụ sâu 300 m tại Công ty Than Hà Lầm thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ở Quảng Ninh.
An toàn lao động nghiêm ngặt
Vượt quãng đường đồi hơn 3 km từ trụ sở Công ty Than Hà Lầm, trước mắt chúng tôi hiện ra 2 tháp giếng đứng màu xanh cao vút. Đây là 2 công trình quan trọng trong dự án khai thác than ở mức dưới 50 m của công ty và hiện là lò giếng đứng có độ sâu nhất trong lòng đất (âm 300 m) của Vinacomin.
Anh Nguyễn Duy Linh, cán bộ Phòng An toàn Công ty Than Hà Lầm, yêu cầu chúng tôi phải huấn luyện an toàn trong khoảng 30 phút. “Bất kể khách hay chủ, lần đầu xuống lò đều phải qua một quy trình quản lý an toàn lao động nghiêm ngặt” - anh giải thích.
Xong khâu huấn luyện, chúng tôi nhận các thiết bị bảo hộ lao động thiết yếu. Mặc bộ quần áo bảo hộ, đội mũ, đeo bình dưỡng khí ngang hông xong, chúng tôi quay sang hỏi Linh: “Đã giống thợ lò chưa?”. Anh cười: “Thợ lò đâu ai còm nhom như mấy anh”.
Chúng tôi nóng lòng bước ra miệng giếng để xuống lò than nhưng vẫn chưa xong “thủ tục”. Linh bảo chúng tôi đến Phòng Bảo vệ ký tên và để nhân viên ở đây kiểm tra xem có mang theo “hàng cấm” nào không, như bật lửa hay thiết bị dễ gây cháy nổ. Chúng tôi chỉ được mang bút, sổ để ghi chép và chiếc máy ảnh - sau khi đã kiểm tra an toàn cháy nổ.
“Vào thang máy thôi!” - anh Linh gọi. Thang máy mà anh nói thực ra là chiếc thùng trục có đường ray để đưa xe goòng, vận chuyển người và vật liệu lên xuống lò than. Hai tấm rèm sắt bảo vệ hạ xuống, chiếc thùng bắt đầu chuyển động.
Chúng tôi đưa tay bật chiếc đèn lò gắn trên mũ. Ánh sáng chiếu ra chỉ thấy thành giếng bê-tông lao vun vút trong tiếng gió và âm thanh của cáp tời. Nước ở hai bên thành giếng tí tách chảy, chúng tôi phải khom người để che máy ảnh cho khỏi ướt.
Xung quanh dần tối mịt, chúng tôi nín thở vì căng thẳng. “Thang máy” vẫn lao vùn vụt xuống bên dưới. Khi chiếc thùng dừng lại, 2 tấm rèm sắt bảo vệ được nâng lên, sân ga giếng phụ hiện ra dài hun hút, chỉ có ánh sáng lờ mờ.
Luyện “nội công thâm hậu”
Theo chân một toán thợ lò, phần lớn đều rất trẻ, chúng tôi tiến vào bên trong hầm giữa 2 hàng ray với những xe goòng chất đầy đất đá, vật liệu xây dựng. Từ trong hầm sâu hun hút, từng tốp công nhân tan ca đang đi bộ ngược ra. Ai cũng mướt mồ hôi, người đen nhẻm bụi than, chỉ có đôi mắt và hàm răng trắng lấp lóa.
Công việc của thợ hầm lò luôn hết sức vất vả lại thường xuyên đối mặt rủi ro. “Cánh thợ lò thường bảo nhau làm nghề này là “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Tụi tôi chui sâu vào lòng đất hàng trăm mét để làm việc thì chẳng phải xuống “âm phủ” là gì!” - anh Vũ Văn Duân, công nhân vận hành giếng đứng, ví von. Bởi thế, ai cũng phải rèn tính kỷ luật như người lính. “Kỷ luật và đồng tâm” là câu mà thợ lò nào cũng phải luôn ghi nhớ để thực hiện.
Ở trong lò, ngày cũng như đêm, làm ca 1 hay ca 3 đều như nhau. Trên kia trời có bão tố hay nắng cháy da thì những thợ lò cũng chẳng hay biết. Dưới hầm chỉ quanh quẩn những ánh đèn lò xuyên thẳng vào bức tường đêm đen kịt, những tiếng máy khoan đinh tai nhức óc, những bàn tay chai sần đầy bụi than vuốt giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên khuôn mặt...
“Thợ lò phải rèn luyện nhiều để có được “nội công thâm hậu”. Mỗi kíp làm việc từ 6 đến 8 giờ. Trong kíp, trừ trường hợp đặc biệt thì mới được lên mặt đất” - một công nhân cho biết. “Vậy chuyện đi vệ sinh cá nhân?” - chúng tôi thắc mắc vì không tìm đâu ra nơi “trút bầu tâm sự” dưới “âm phủ” này. “Tụi tôi phải luyện tập để “đi” theo cữ, trước khi xuống lò thì phải “giải quyết” cho xong. Luyện tập lâu dần thành thói quen” - một thợ lò tiết lộ.
Có lẽ ở môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại này, sự lãng mạn, hài hước là cần thiết để giúp anh em công nhân quên đi nỗi vất vả. Chuyện gì họ cũng có thể tìm cách đùa cợt được. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên, thợ đào lò Lưu Văn Giang tinh nghịch: “Đừng chụp hình thợ lò đăng báo nhé, mấy cô ở thủ đô mê thì khổ vì tụi này có người yêu hết rồi”!
Giang nay 30 tuổi, quê Quảng Ninh. 20 tuổi, anh đã vào làm công nhân ngành than, 26 tuổi là thợ bậc 6/6. Năm 2009, anh đạt danh hiệu thợ lò giỏi và chiến sĩ thi đua cấp tập đoàn. “Chú ruột, em ruột rồi vợ tôi đều làm ngành than. Công việc vất vả nhưng tôi rất yêu thích. Về rủi ro thì trên mặt đất còn có, huống chi dưới hầm lò sâu hoắm thế này” - Giang nói như hét vào tai chúng tôi giữa tiếng khoan inh ỏi.
Bữa ăn giữa ca của công nhân lò than khá tươm tất. “Mỗi người 2 hộp sữa tươi, 1 hộp sữa hoa quả và 1 ổ bánh mì mỏ “đặc chủng” to tướng, xơi không hết” - Vũ Hoàng Thương - 21 tuổi, quê Thái Bình - cho biết. Rồi anh khoe về người yêu: “Cô ấy 20 tuổi, ở Quảng Ninh, đang học cao đẳng ngành y. Chắc em lấy vợ và làm rể đất mỏ luôn”...
Trên đường rời “âm phủ” theo “thang máy” để trở lại mặt đất, anh Nguyễn Duy Linh hồ hởi: “Tại mỏ Hà Lầm, ở mức âm 300 m, trữ lượng than có thể khai thác 50 năm, từ âm 300 đến âm 700 m khoảng 150 năm, còn sâu hơn nữa thì ít nhất cũng phải 200 năm. Công ty đang nỗ lực để có thể khai thác mẻ than đầu tiên trong quý II/2015”.
Kỳ tới: Ăn, ở như... “VIP”
Hơi thở đen xuyên vỉa than triệu tuổi...
Một cán bộ Công đoàn ngành than cho rằng tai nạn trong nghề này là chuyện khó tránh khỏi. “Thu nhập của thợ hầm lò khá cao so với mặt bằng chung nhưng họ phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi và cả tính mạng” - ông ưu tư.
Những ngày đến vùng mỏ, chúng tôi đã được đọc những câu thơ đầy cảm xúc trong bài Bữa cơm chiều ở nhà thợ mỏ của anh Nguyễn Đình Thái, công tác tại Công ty Than Hà Lầm: Bữa cơm chiều cha con mới gặp nhau/ Con tắm rồi, tóc loáng dầu than lò chợ/ Khói mìn đắng lùa qua hơi thở/ Mảnh vụn kíp lê rơi “cạch” xuống mâm cơm... Mồ hôi đen lã chã giọt tuôn rơi/ Hơi thở đen xuyên vỉa than triệu tuổi/ Bụi than nghẹn, họng khê nồng giọng nói/ Quầng mắt đen viền giống hội hóa trang...