Với những gì mà các nhà khoa học của Vabiotech đang thực hiện, giấc mơ chủ động nguồn vắc-xin, kịp thời phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa
Những ngày gần Tết này, các nhà khoa học của Công ty TNHH Vắc-xin - Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang gấp rút hoàn tất quy trình nghiên cứu, sản xuất vắc-xin dại nuôi cấy trên tế bào, để năm 2015 có thể đưa vào thử nghiệm trên người. Hiện nay, toàn bộ vắc-xin dại đều phải nhập khẩu với giá cao, vượt quá khả năng chi trả của người nghèo.
Chinh phục công nghệ mới
Bên cạnh đó, vắc-xin ngừa bệnh tay chân miệng do virus EV 71 gây ra cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến năm 2015 được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người. Theo TS - bác sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Vabiotech, chặng đường chinh phục các sản phẩm vắc-xin nội, giá rẻ nhưng chất lượng tương đương hàng ngoại nhập mà các nhà khoa học Việt Nam đã dồn hết tâm sức thực hiện đang dần đến đích.
Ông Đạt cho biết một trong những công trình mà các nhà khoa học ở Vabiotech đang dành gần hết tâm huyết của mình nghiên cứu, chế tạo là vắc-xin Hib phối hợp phòng bệnh viêm màng não mủ và viêm phổi ở trẻ em. Vắc- xin này được Vabiotech thực hiện cách đây 10 năm và đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Nếu thuận lợi, khoảng 2 - 3 năm nữa, Vabiotech có thể hoàn tất các công đoạn nghiên cứu và đưa sản phẩm vào sử dụng.
“Trong 11 vắc-xin mà Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang sử dụng thì Việt Nam đã sản xuất được 10 loại, chỉ còn vắc-xin Hib vẫn phải nhập khẩu. Một trong những lý do quan trọng là chúng tôi muốn tiếp cận công nghệ sản xuất vắc-xin ở trình độ cao hơn” - ông Đạt bày tỏ.
Trong hành trình này, các nhà khoa học ở Vabiotech đứng trước áp lực giải cho được bài toán sản xuất vắc-xin vô bào, trước mắt là vắc-xin ho gà thành phần vô bào. Những sự cố tiêm chủng Quinvaxem thời gian qua, trong đó có liên quan đến phản ứng quá mẫn của thành phần vắc-xin ho gà toàn tế bào, đã khiến không ít bậc cha mẹ dè dặt với vắc-xin này.
“Nguồn vắc-xin nhập khẩu lại không đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng của người dân, thậm chí nhà sản xuất còn dự báo trong những năm tới, các loại vắc-xin phối hợp “5 trong 1”, “6 trong 1” sẽ trở lên khan hiếm. Trước mắt, chúng tôi chỉ có thể mời chuyên gia Nhật Bản sang tư vấn. Với kinh nghiệm của mình, các nhà khoa học Việt Nam sẽ mày mò để có thể cho ra lò sản phẩm vắc-xin công nghệ vô bào bảo đảm chất lượng” - ông Đạt tin tưởng.
Hiện nay, Vabiotech cung ứng các sản phẩm vắc-xin ngừa viêm gan A, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và tả (uống) cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cũng như nhu cầu phòng bệnh của người dân. Bên cạnh đó, công ty còn hợp tác với các nhà sản xuất uy tín và những thương hiệu lớn trên thế giới để sản xuất, kinh doanh các loại vắc-xin, chế phẩm sinh học khác.
Sắp trình làng vắc-xin chống cúm A/H5N1
Một trong những vắc-xin được nhắc tới nhiều nhất trong những năm qua là vắc-xin cúm A/H5N1. Hơn 10 năm miệt mài, đầu tư rất nhiều công sức và tiền của, đến nay, chặng đường nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 của Vabiotech đã đi tới giai đoạn cuối.
“Một loại “vũ khí” mới có thể tiêu diệt, khống chế hiệu quả virus cúm A/H5N1 nguy hiểm sắp thành hiện thực. Công trình này được tôn vinh là 1 trong 15 thành tựu khoa học kỹ thuật y tế nổi bật 10 năm qua” - TS Đỗ Tuấn Đạt tự hào.
GS-TS Nguyễn Thu Vân - người chủ trì đề tài nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 của Vabiotech - cho biết quy trình do công ty nghiên cứu, phát triển là công nghệ sản xuất dựa trên nuôi tế bào, khác hẳn công nghệ truyền thống là sản xuất trên trứng gà có phôi. Với việc sử dụng tế bào thận khỉ tiên phát cho sản xuất, vắc-xin cúm đem lại những ưu điểm so với các công nghệ đã có, có thể đáp ứng được sự thay đổi hằng năm về chủng virus cúm.
“Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới theo kỹ thuật này. Sau một chặng đường dài miệt mài nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, vắc-xin cúm A/H5N1 “made in Việt Nam” đã hoàn tất quy trình thử nghiệm trên người, đạt hiệu quả cao” - GS-TS Vân cho biết.
Với việc tự sản xuất được vắc-xin cúm, Việt Nam có thể chủ động, kịp thời phòng chống các đại dịch cúm trong tương lai, không bị phụ thuộc quá nhiều vào sản phẩm do nước ngoài cung cấp; đồng thời kéo giảm giá thành, giúp nhiều người có thể tiếp cận vắc-xin cúm hơn. “Vắc-xin cúm A/H5N1 đang trong quá trình xin cấp phép để lưu hành. Trong một ngày không xa, Vabiotech sẽ trình làng loại vắc-xin mới này” - ông Đạt hồ hởi.
Nhằm bắt kịp xu thế phát triển của các nước, Vabiotech đã chủ động hợp tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, viện nghiên cứu, nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới. Với đội ngũ trẻ, năng động, sáng tạo và những gì mà các nhà khoa học của Vabiotech đang thực hiện, giấc mơ chủ động nguồn vắc-xin để kịp thời phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm cho người dân sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa.
Đối mặt hiểm nguy
TS Đỗ Tuấn Đạt vốn được đào tạo bác sĩ nhưng duyên số run rủi thế nào lại đưa ông vào labor, suốt ngày quanh quẩn với các loại vi khuẩn, vi trùng và phải học lại từ đầu. Gần 20 năm gắn bó với môi trường nghiên cứu vắc-xin, điều mà một doanh nhân làm khoa học được nhiều nhất chính là tính kỷ luật, từ giờ giấc đến cả trang phục.
Trước khi bước vào phòng sản xuất vắc-xin, người nào cũng phải tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục riêng biệt kín từ đầu đến chân. Phòng sản xuất còn kỵ những chất như son phấn, nước hoa, thuốc nhuộm... Ở một số quốc gia, đến các công đoạn sản xuất vắc-xin cuối cùng thì chỉ còn nam giới thao tác, thậm chí họ phải cạo trọc đầu để tóc khỏi rơi vào sản phẩm.
Với các nhà khoa học, nghiên cứu và sản xuất vắc-xin là nghề không kém phần nguy hiểm khi phơi nhiễm với các vi trùng, vi khuẩn. “Vi trùng “quen mặt” thì chúng tôi có thể biết được cách hoạt động lây nhiễm để phòng tránh nhưng nhiều khi tiếp xúc với con “lạ” thì cũng khá lo lắng. Do đó, việc tuân thủ kỷ luật lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu của cán bộ, nhân viên nghiên cứu, sản xuất vắc-xin”- TS Đạt khẳng định.
Không cho phép dễ dãi
Vabiotech được thành lập năm 2000, ban đầu là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, sau chuyển sang Bộ Y tế. Tuy cũng là doanh nghiệp nhưng hoạt động của một công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh vắc-xin như Vabiotech khác xa những ngành nghề khác. Sự cạnh tranh ở đây không đơn thuần là giữa các doanh nghiệp để thu hút khách hàng, mà là cuộc chạy đua đưa nền khoa học nước nhà phát triển theo kịp sự tiến bộ của nền khoa học thế giới.
Trò chuyện với người đứng đầu doanh nghiệp đặc thù này, chúng tôi nhận thấy sự khát khao mong muốn đem lại nhiều sản phẩm phòng bệnh tốt nhất cho cộng đồng của những nhà khoa học. “Không ít ý kiến cho rằng sản phẩm miễn phí là không tốt nhưng với chúng tôi - những người nghiên cứu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là cho trẻ em - thì không bao giờ cho phép mình dễ dãi. Những lúc có loại vắc-xin mới chuẩn bị đưa ra thử nghiệm trên người, chúng tôi luôn mất ăn mất ngủ, nín thở theo dõi. Dù những người nhận thử nghiệm đã ký cam kết nhưng chúng tôi vẫn sợ có tai biến, trục trặc gì thì bao nhiêu công sức của mình sẽ đổ sông đổ biển. Để có được một vắc-xin thành công, đôi khi chúng tôi phải mất 10-20 năm” - TS Đỗ Tuấn Đạt tâm sự.