Sau giai đoạn “vô địch về lạm phát” kéo dài gần một thập kỷ, năm 2014, lạm phát của Việt Nam đã giảm mạnh về mức dưới 2%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đề ra là dưới 7%
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2014 tiếp tục giảm 0,24% so với tháng 11. Như vậy, tính chung cả năm 2014, lạm phát chỉ tăng 1,84% - mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.
Mua sắm tại siêu thị. Ảnh tư liệu
Hàng hóa giảm nhiệt
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Giá - Tổng cục Thống kê, cho biết trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, 2 nhóm có chỉ số giá giảm khá mạnh là giao thông, giảm 3,09% và nhà ở - vật liệu xây dựng, giảm 0,94%. Tác động lớn nhất kéo giảm CPI tháng 12 là do giá xăng dầu trong nước thời điểm này (kỳ chốt số liệu là ngày 15) đã giảm tổng cộng 1.406 đồng/lít xăng, 830 đồng/lít dầu diesel…, đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI.
Trong khi đó, các nhóm hàng khác tăng giá đều ở mức thấp, không nhóm nào quá 1%. Các mặt hàng, dịch vụ tăng giá là lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, thuốc lá, dịch vụ may mặc, làm đẹp (cắt tóc, gội đầu)…
Theo bà Ngọc, các yếu tố giữ cho CPI năm 2014 có mức tăng thấp là nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào; giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định; giá nhiên liệu trên thế giới xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua (từ mức 110,47 USD/thùng dầu cuối năm 2013 xuống còn dưới 60 USD/thùng). Bên cạnh đó, mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng do nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước.
Chuyên gia kinh tế độc lập, TS Vũ Đình Ánh, cho rằng kết quả kiềm chế lạm phát mang dấu ấn của việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp. Cụ thể là không tăng giá điện, giảm liên tục và giảm mạnh giá xăng dầu; trong khi điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chính sách tài khóa thắt chặt đầu tư công...
Không phải giảm phát
Đáng lưu ý là đến nay, mối lo ngại giảm phát hay tổng cầu yếu như một số ý kiến đưa ra từ đầu quý IV/2014 đã được loại bỏ.
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, phân tích: Khi lấy tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trừ chỉ số lạm phát thì thấy tổng cầu có tăng hơn trước, tuy mức tăng không như kỳ vọng. Như vậy là tổng cầu thấp, không phải giảm. Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước thì không phải giảm phát.
Cùng quan điểm, TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng chỉ khi lạm phát thấp đi cùng tốc độ tăng trưởng GDP ở mức âm mới là giảm phát. Năm 2014, CPI thấp, tín dụng vẫn tăng trưởng 13% chứng tỏ nền kinh tế đang phát triển, có dấu hiệu phục hồi.
Bà Đỗ Thị Ngọc phân tích: Nếu nhìn vào số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn các năm trước. Cụ thể, năm 2014 ước tăng 6,5%; các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt tăng 4,7%, 6,2% và 5,6%, trong khi lạm phát của các năm này là 18,13%, 6,81% và 6,04%. Như vậy, CPI năm 2014 tăng thấp không phải do nhu cầu tiêu dùng.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng lạm phát thấp là “món quà quý cho ổn định vĩ mô và đời sống”. Theo ông, khi lạm phát ổn định sẽ tạo dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; đồng thời có tác dụng khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.
Đáng mừng!
Theo TS Vũ Đình Ánh, mức lạm phát thấp như vậy là rất đáng mừng. Bởi lẽ, thu nhập của người dân không tăng và giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng thì có nghĩa là thu nhập thực tế đã được cải thiện.
“Lạm phát năm nay tăng thấp đều trong cả 12 tháng, không có biến động giật cục như năm 2008. Ba tháng cuối năm 2008, CPI âm nhưng tính cả năm vẫn tăng gần 20% nên mới bất ổn” - TS Vũ Đình Ánh nhận xét.
giá xăng dầu, người tiêu dùng, vật liệu xây dựng, giảm lãi suất cho vay, chuyên gia kinh tế, dịch vụ y tế, giảm lãi suất, tăng trưởng GDP, Lê Đăng Doa