Công nghệ thông tin

Bạo lực học đường ngày càng đáng sợ

Quy chế đánh giá - xếp loại học sinh đã lạc hậu, giáo viên tư vấn học đường lại thiếu, cùng với sự thờ ơ của gia đình và ảnh hưởng từ xã hội khiến bạo lực học đường ngày càng phức tạp

Trong 297 phiếu khảo sát thu về khi được hỏi “Hành động phản ứng nếu là nạn nhân của bạo lực học đường (BLHĐ)”, có tới 29,6% ý kiến học sinh (HS) trả lời sẽ đánh lại bạn, 38,8% phản ứng tức thời bằng cách nói lại bạn và 36,7% về nhà nói với người thân. Đó là thông tin được Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông - Trường ĐH Sư phạm TP HCM đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn BLHĐ trong trường phổ thông”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức ngày 24-12 tại TP HCM.

Chết thảm vì bạn học

Kết quả khảo sát cho thấy có sự khác biệt tương đối lớn về giới tính và cấp học. Theo đó, HS nam có khuynh hướng phản ứng mạnh mẽ là đánh lại khi bị đối xử bạo lực hơn HS nữ (34% so với 23,5%). So sánh giữa các cấp học thì HS THPT có khuynh hướng dùng vũ lực đáp trả nhiều hơn HS THCS (35,1% so với 20,3%). Có 82,5% ý kiến HS chọn nguyên nhân của BLHĐ là do tính hiếu thắng, tiếp đó là tính hùa theo các bạn khác chiếm tỉ lệ 71,1%.

Nhóm khảo sát cho rằng lứa tuổi HS phổ thông vốn rất dễ hưởng ứng theo phong trào, chịu sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, nhanh tiếp thu những tiêu cực của môi trường xung quanh. Ngoài ra, các nguyên nhân khác cũng rất đáng chú ý: Chưa được cha mẹ quan tâm giáo dục về BLHĐ, không nhiều phụ huynh lưu ý đến việc giáo dục cho con em về vấn đề BLHĐ để trẻ có thể tự chủ trong hành vi giao tiếp với bạn bè, tránh những xung đột trong quan hệ qua lại.

Gia đình tổ chức tang lễ cho một học sinh ở Đắk Lắk bị bạn cùng trường đâm chết hôm 3-11. Ảnh: Ý NGUYÊN
Gia đình tổ chức tang lễ cho một học sinh ở Đắk Lắk bị bạn cùng trường đâm chết hôm 3-11. Ảnh: Ý NGUYÊN

Đến từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Đắk Lắk, bà Lê Thị Thảo, Trưởng Phòng Công tác HS-SV, trăn trở: “Trước khi tham gia hội thảo, tôi đã chuẩn bị tham luận để báo cáo nhưng liên tiếp trong tháng 11, tại Đắk Lắk xảy ra 2 sự cố. Đầu tiên là trường hợp 1 HS đâm chết bạn trong lớp hôm 3-11. Tiếp theo, ngày 20-11, 2 HS lớp 5 và lớp 6 cầm gậy đánh nhau, em lớp 6 bị thương nặng và chết khi vào bệnh viện. Dù không thể báo cáo tham luận khi đơn vị mình quản lý xảy ra tình trạng như vậy nhưng tôi day dứt vô cùng. Chúng ta cần bao dung nhưng đã đến lúc phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa”.

Giáo dục đạo đức không giống ai

Ông Phạm Hữu Khương, Sở GD-ĐT Ninh Thuận, đặt vấn đề: BLHĐ liên quan đến tuổi vị thành niên ngày càng nhiều, điều đó phải chăng là kết quả giáo dục của chúng ta?

“Cần xem lại thước đo về giáo dục đạo đức, không những trong nhà trường mà còn ngoài xã hội. Cần xem lại cách tiếp cận, giáo dục nhân cách, đạo đức HS như thế đã đúng chưa. Phải giáo dục cái gì, dạy cái gì, thước đo nào chứ không phải cứ xếp hạng hạnh kiểm tốt, khá là đạt nhưng ra đường vẫn đánh nhau. Phụ huynh phải tham gia với nhà trường chứ không phải chỉ đóng tiền là xong nghĩa vụ” - ông Khương phân tích.

ThS Nguyễn Minh, Trưởng Phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 1988 về quy chế đánh giá - xếp loại HS đã quá cũ, không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Những hình thức xử phạt, kỷ luật theo thông tư này không còn đủ sức răn đe. “HS ngày xưa chỉ cần nghe mách cha mẹ là sợ nhưng giờ có em nào sợ nữa đâu?” - ông Minh dẫn chứng.

Theo nhiều ý kiến tại hội thảo, BLHĐ còn có nguyên nhân từ việc chương trình giảng dạy đạo đức trong nhà trường phổ thông hiện nay không giống ai. Ông Châu Thái Ngọc, Sở GD-ĐT Khánh Hòa, mổ xẻ: Chương trình môn giáo dục công dân từ lớp 6 đến lớp 12 cả tuần chỉ có 1 tiết. Trong khi đó, từ lớp 6 đến lớp 9 thiên về giáo dục đạo đức với thời lượng học 2/3, 1/3 dành cho pháp luật. Nhưng đến bậc THPT thì ngược lại, 2/3 thời lượng học về pháp luật, trong khi HS được học về đạo đức rất ít. Công tác tư vấn trường học lại không hiệu quả khi giáo viên (GV) phải kiêm nhiệm, nhiều trường còn giao phó hết cho thầy cô phụ trách đoàn, hội.

Đồng tình ý kiến này, bà Lê Thị Thảo cho biết hiện nay có tình trạng nhiều GV đến trường chỉ dạy xong là về. Thậm chí, không ít GV còn nói “tôi có 100 điểm thi đua thôi, muốn trừ bao nhiêu thì trừ”. Vì thế, nhiệm vụ của GV thế nào cũng cần phải quy định chi tiết, cụ thể chứ không thể đưa vài chữ vào điều lệ trường học là xong.

Cần giáo viên tư vấn chuyên nghiệp

Về sự cần thiết phải có GV làm công tác tư vấn học đường, bà Lê Thị Thảo cho biết: “Toàn tỉnh Đắk Lắk, chỉ 10 trường có cán bộ tư vấn trường học trên tổng số hàng ngàn trường và những trường này hoạt động rất tốt”.

Đến nay, chỉ duy nhất TP HCM là địa phương ổn biên chế cho GV làm công tác tư vấn học đường. Theo ThS Nguyễn Minh, GV tư vấn là yếu tố quan trọng để cân bằng tâm lý cho HS.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,327,020       1/990