Không cắt cử người trông coi, để voi quật chết trẻ em nhưng trưởng đoàn xiếc lại cho rằng nạn nhân “không bình thường”, trêu chọc nên bị tấn công
Chiều 24-12, gia đình đã tổ chức an táng cho cháu Nguyễn Anh Luật (12 tuổi, ngụ thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Sáng cùng ngày, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã hoàn tất việc khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường để làm rõ việc cháu Luật tử vong do bị voi đoàn xiếc tấn công.
Voi đã có dấu hiệu bất thường
Trước đó, chiều 23-12, sau khi chở voi (tên Buk, 40 tuổi) đi quảng cáo về, những người trong Đoàn xiếc hài kịch Bình Minh - Thái Bình để voi trên xe trong khuôn viên UBND xã Đức Mạnh rồi đi ăn cơm. Lúc đó, 5 cháu khoảng 12-15 tuổi đến chơi đùa và lấy lá chuối cho voi ăn. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, trong lúc cho Buk ăn, Luật bị nó dùng vòi quấn kéo lên thùng xe rồi dùng chân giẫm lên đầu làm cháu tử vong sau đó.
Theo ông Dư Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh, mấy ngày trước, do thấy thủ tục đầy đủ, xã đã đồng ý cho Đoàn xiếc hài kịch Bình Minh - Thái Bình mượn khuôn viên UBND xã làm điểm biểu diễn.
Con voi Buk đã quật chết cháu Nguyễn Anh Luật
Ảnh: CAO NGUYÊN
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Thanh Cao - Phó Giám đốc Công ty Xiếc Hài kịch Bình Minh - Thái Bình kiêm trưởng đoàn biểu diễn - cho rằng lúc đó, nhiều cháu bé đã tới cho Buk ăn nhưng do sợ nên chỉ đứng xa. Riêng cháu Luật do “không bình thường”, đến gần đút chuối rồi giữ vòi khiến voi tức giận dùng vòi kéo lên xe.
Cũng theo ông Cao, trong đợt này, đoàn đã diễn được 3 nơi ở Đắk Nông, đến điểm thứ 4 thì xảy ra vụ việc. Con voi cái Buk được công ty mua ở tỉnh Đắk Nông hơn 10 năm trước. Do quản tượng cũ nghỉ nên đoàn xiếc vừa thay người mới được khoảng 3 tháng.
“Trước giờ, chúng tôi vẫn thường để voi một mình và cũng có người lạ tới cho ăn nhưng chưa có ai bị tấn công. Trong vụ này, lỗi của đoàn là không quản lý voi chặt chẽ nhưng cũng phải nhìn nhận rằng cháu Luật đã trêu chọc nên mới xảy ra hậu quả đáng tiếc. Lỗi này thuộc cả đôi bên” - ông Cao phân bua.
Trong khi đó, theo một số người dân địa phương, trước khi quật chết cháu Luật, con voi này đã có những dấu hiệu bất thường. Trên đường đi quảng cáo, do thùng xe không được che chắn cẩn thận, Buk đã dùng vòi quật đổ mấy bao cà phê của người dân đang vận chuyển bằng xe công nông.
Thuần hóa thú dữ không dễ
Chuyện thú dữ đoàn xiếc tấn công người đến chết không phải mới xảy ra. Trước đó, vào tháng 10-2010, trong lúc đoàn xiếc của Doanh nghiệp Sao Mai (tỉnh Hải Dương) đang chuẩn bị biểu diễn xiếc thú nghệ thuật tại phường Bình Đa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thì tại khu vực nhốt thú, một con voi đã quật chết cháu Phạm Xuân Tín (13 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS Bình Đa). Vào tháng 10-2011, tại khuôn viên Hội trường UBND TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, con voi biểu diễn của Đoàn xiếc Trung ương cũng đã quật chết Nguyễn Thảo Oanh (11 tuổi) khi cháu cùng một số bạn đang cho nó ăn mía...
Về vụ việc mới xảy ra ở Đắk Nông, ông Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, cho biết theo thông tin mà ông có được, con voi của đoàn xiếc không được đào tạo bài bản nên hay giở chứng.
“Theo tôi biết, chỉ có voi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Đoàn Xiếc TP HCM là được huấn luyện từ nhỏ nên có thể tham gia biểu diễn. Tuy nhiên, hiện Đoàn Xiếc TP HCM không biểu diễn xiếc voi nữa. Trong khi đó, voi của các đoàn tư nhân đều già, không được huấn luyện, không quen môi trường biểu diễn, không gần được người lạ. Vả lại, người huấn luyện thú của những đoàn này cũng không được đào tạo bài bản” - ông Khánh nêu thực tế.
Theo ông Vũ Ngoạn Hợp, Chủ tịch Liên đoàn Xiếc Việt Nam, để thú dữ có thể diễn xiếc, người huấn luyện phải hết sức am hiểu. “Đôi khi chỉ là thay đổi thời tiết, những lúc mệt, ức chế hay đến giờ ăn, đặc biệt là động đực mà bắt phải làm nhiều động tác, thú sẽ bực mình. Những lúc này, ngay cả người huấn luyện cũng có thể gặp nguy hiểm” - ông Hợp nói.
Ông Hoàng Minh Khánh cho biết một số nước châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, đã cấm các rạp xiếc sử dụng động vật nuôi và hoang dã để biểu diễn. Tuy nhiên ở nước ta, xiếc thú vẫn còn hấp dẫn khán giả.
Trước băn khoăn phải làm thế nào để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc, ông Vũ Ngoạn Hợp cho rằng cần phải có những quy định chặt chẽ về quản lý thú biểu diễn. “Xiếc là một nghệ thuật đặc thù, phải qua đào tạo, chứ không phải ai cũng có thể biểu diễn. Chúng tôi mang thú đi diễn luôn bị ngành kiểm lâm kiểm tra, trong khi các đoàn xiếc tư nhân vẫn có thể lách để mang thú đi khắp nơi. Vì vậy, cơ quan quản lý phải kiểm tra chặt” - ông Hợp kiến nghị.
Ông Hoàng Minh Khánh đề xuất trước mắt, những con thú gây tai nạn nên đưa vào nơi tập trung để nuôi dưỡng, phục vụ khách tham quan. “Sắp tới, chương trình đào tạo bộ môn xiếc thú của Trường Trung học Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam chỉ nuôi dạy một số loài động vật nuôi hoặc đã được thuần hóa (thú nhỏ), phù hợp với điều kiện thực tế” - ông khẳng định.
Hoàn cảnh đáng thương của nạn nhân
Ông Nguyễn Xuân Toàn (dượng của Luật) cho biết sau khi bố mẹ ly hôn, cháu cùng em trai sống với bố là ông Nguyễn Văn Thuận. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đến lớp 5, Luật phải nghỉ để học nghề sửa xe máy, đứa em thì được đưa vào cơ sở từ thiện ở TP HCM. Không có nương rẫy, hằng ngày, ông Thuận phải làm thuê kiếm sống nhưng do cụt tay phải vì tai nạn giao thông nên được trả công rất thấp. Những lúc quá khó khăn, ông Thuận phải đi xin để nuôi con.
"Hôm qua Luật còn khoe cháu được chọn vào đội lễ sinh của nhà thờ nhờ ngoan, vậy mà nay cháu đã không còn nữa..." - ông Toàn nghẹn ngào.