Công nghệ thông tin

Đào hầm chữ A là phương án tối ưu

Tính mạng các công nhân chỉ bị đe dọa khi hầm bên trong tiếp tục sập

Chiều 17-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Kim Tới - Ủy viên Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Sông Đà, chuyên gia hàng đầu của Tổng Công ty Sông Đà có hơn 30 năm kinh nghiệm về công trình ngầm - cho biết các phương án mà lực lượng cứu hộ đang triển khai để cứu 12 công nhân bị kẹt trong vụ sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo là phương án tối ưu nhất có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại. “Việc đào hoàn toàn theo lối thủ công như hiện nay là hợp lý. Đây là phương pháp đào bám ở vách hầm, một bên là vách hầm nguyên bản, một bên là sử dụng phương pháp chống chéo kiểu chữ A vào vách thì sẽ không bị sạt lở” - ông Tới lý giải.

Lực lượng cứu hộ làm việc suốt đêm để cứu các nạn nhân
Ảnh: 
CAO NGUYÊN
Lực lượng cứu hộ làm việc suốt đêm để cứu các nạn nhân Ảnh: CAO NGUYÊN

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu Mỏ Vinacomin, cho biết đào theo hình chữ A là phương pháp tốt nhất hiện nay. “Sau khi tiếp cận hiện trường vụ sập hầm vào đầu giờ chiều 17-12, chúng tôi đã bắt tay thực hiện công việc cứu hộ với phương án tiến hành đào song song tức là đào men theo đường lò cũ. Khi đến ngang khu vực các nạn nhân bị mắc kẹt, sẽ đào cắt ngang sang để tiếp cận họ” - ông Huyên nói.

Theo ông Tới, hiện tại không thể đưa máy móc, thiết bị to để khoan bên trong hầm vì nếu muốn khoan thì phải gia cố hầm bằng phiện pháp phun xi măng vào rồi mới đào được, như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Việc huy động máy khoan cọc nhồi chỉ là phương án dự phòng trong trường hợp phương án đào thủ công gặp sự cố vì việc khoan cọc nhồi từ trên xuống mất rất nhiều thời gian. “Nếu sử dụng biện pháp khoan cọc nhồi, công nhân sẽ tiến hành khoan một lỗ khoan đường kính rộng khoảng 1,5 m từ trên xuống dưới hầm tạo thành một cái giếng để sau đó đưa các công nhân bị mắc kẹt ra ngoài” - ông Tới nói.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm về công trình ngầm, ông Tới nhận định chỉ trừ trường hợp 70 m hầm còn lại phía bên trong tiếp tục sập thì tính mạng các công nhân mới bị đe dọa, còn không thì chắc chắn họ sẽ được cứu ra an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Huyên, nếu nước dâng lên nhanh thì rất nguy hiểm. “Điều quan trọng nhất là phải bơm nước ra để nhiệt độ trong lòng đất ấm hơn giúp các nạn nhân mắc kẹt bảo đảm sức khỏe, không bị lạnh cóng” - ông Huyên nói.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,169,216       5/577