Đề án thu phí xe máy trên địa bàn TP HCM còn nhiều bất cập nhưng không thể không thông qua vì “không còn cách nào khác”
HĐND TP HCM vừa không đồng ý tờ trình của UBND TP về đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô-tô trên địa bàn vì có nhiều bất cập. Như vậy, đến thời điểm này, TP HCM là địa phương duy nhất trong cả nước chưa thực hiện việc thu phí xe máy theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13-3-2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ, trong khi việc này đã được triển khai từ ngày 1-1-2013.
Sao cứ đè dân ra thu?
Khi UBND TP trình đề án, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng nhiều đại biểu rất băn khoăn vì ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ sau 2 năm thực hiện cũng chỉ đạt 30%-50% chứ chưa có địa phương nào thu đủ như dự kiến.
Theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, nếu thu phí sử dụng đường bộ đối với 40 triệu xe máy qua xăng dầu thì chỉ cần 40 người tính toán trên máy tính, thu qua các cây xăng cần 400 người, còn thu theo đầu phương tiện thì 40 triệu người sẽ phải đi nộp phí.
“Hơn nữa, TP có đến 20% xe máy ngoài tỉnh, chưa kể vấn đề xe không chính chủ sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn khi thực hiện. TP lại chưa có cơ chế xử phạt, nhân viên thuế với tài chính cũng không có thời gian đâu mà đi kiểm tra người nộp, người không nộp. Nếu TP triển khai, bảo đảm sang năm khi đi tiếp xúc, cử tri sẽ phàn nàn vấn đề này” - ông Quân nói.
Đại biểu Trần Trọng Dũng cũng tỏ ra lo ngại vì giao cho địa phương thu là khó thực hiện, chế tài cũng không rõ ràng. Đại biểu Huỳnh Quốc Cường quyết liệt hơn: “Sao cái gì cũng đè dân ra mà thu, như thế là không được”.
Đại biểu Bùi Tá Hoàng Vũ cũng bối rối vì không thực hiện nghị định của Chính phủ sẽ bị phê bình nhưng làm mà bản thân TP thấy bất an thì không ổn. “Nếu thông qua thì áp dụng hình thức dán tem những chiếc xe máy đã thu phí để nhận diện” - ông Vũ đề xuất.
Không còn cách nào khác!
Theo ông Huỳnh Ngọc Ánh (đại biểu Quốc hội, đoàn TP HCM), Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã có nhiều ý kiến phản đối việc thu phí xe máy cũng như kiến nghị sửa đổi nghị định nhưng không ăn thua. “Nếu TP HCM không thu sẽ ảnh hưởng đến chính sách chung của cả nước và bị phê bình trước Quốc hội” - ông Ánh nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng nhìn nhận việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy có nhiều bất cập, UBND TP đã 3 lần gửi văn bản báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên gần đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ra văn bản báo cáo Thủ tướng, trong đó có đề cập việc TP chưa thực hiện việc thu phí xe máy. “TP đã kiến nghị cho thu qua xăng dầu nhưng trung ương không đồng ý” - ông Tín phân trần.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND cấp các xã/phường là đơn vị trực tiếp đứng ra thu phí xe máy. Các tỉnh, thành trên cả nước đang thực hiện theo cách này. Tương tự, UBND TP cũng đề xuất giao cấp phường/xã thu phí. Như vậy, cấp phường/xã sẽ đến từng hộ dân đề nghị kê khai số xe để làm cơ sở yêu cầu đóng phí chứ không thể căn cứ vào danh sách từ phía công an.
“Cấp phường/xã đang trăm công ngàn việc thì làm sao kham nổi, họ quá tải rồi. Tôi băn khoăn lắm dù TP HCM là địa phương chậm triển khai việc thu phí nhất nhưng khi thông qua rồi có làm được không” - bà Quyết Tâm đặt vấn đề.
Ba vấn đề phải giải trình
Trước quá nhiều bất cập, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định đã là luật thì phải thực hiện nhưng thực hiện như thế nào để bảo đảm đúng và công bằng. Theo bà, 3 vấn đề UBND TP cần phải giải trình thêm là phương pháp thu phí, chế tài và an toàn quỹ để bảo đảm thu đúng, thu đủ, công bằng, chặt chẽ và minh bạch. “Có cử tri đặt vấn đề người đi ít, người đi nhiều, người ở khu vực có đường giao thông tốt, người ở khu vực có đường giao thông xấu nhưng phí thu như nhau. Đó cũng là một điều không công bằng” - bà Tâm phản ánh.
Đối với phương pháp thu, bà Tâm cho biết làm sao thu khoa học, bảo đảm được sự công bằng, chặt chẽ và minh bạch bởi vì nói đến phí là người sử dụng dịch vụ phải trả, dịch vụ tốt thì trả phí cao nhưng dịch vụ chưa tốt thì trả phí thấp.
“HĐND đặt những vấn đề trên để UBND TP nghiên cứu, làm rõ. Dự kiến, trong kỳ họp chuyên đề vào cuối năm (ngày 30-12), HĐND sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra để thảo luận thông qua vì đây là luật định rồi” - bà Tâm nói.
đại biểu quốc hội, phó chủ tịch, HĐND TP HCM, quỹ bảo trì đường bộ, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thị Quyết Tâm, phí sử dụng đường bộ, thu phí xe máy, cử tri