Công nghệ thông tin

Chết thèm bên mâm cỗ

Các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định khả năng cung ứng được linh kiện cho đối tác Samsung là rất khó khăn

Bộ Công Thương vừa công bố danh mục các linh kiện, phụ kiện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung) cần cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tìm hiểu, tham gia sản xuất, cung ứng, gồm: 91 linh kiện, phụ kiện cho điện thoại Samsung Galaxy S4; 53 linh kiện, phụ kiện cho máy tính bảng 7 inch. Trước đó, tháng 8-2014, Samsung cũng đưa ra danh sách 170 linh kiện để Việt Nam hợp tác cung ứng nhưng đều không thực hiện được.

Chào hàng vài trăm, làm được 6-7

Như vậy là sau 20 năm có mặt ở Việt Nam, Samsung đang biến nơi đây thành cứ điểm sản xuất điện thoại, điện tử lớn nhất của hãng trên toàn cầu. Điều này tạo cơ hội rất lớn cho công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển khi nhu cầu nâng dần tỉ lệ nội địa hóa cần rất nhiều nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện đầu vào là DN bản địa.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết cả nước có hơn 300 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhưng phần lớn sản phẩm là các linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, còn các linh kiện khác đều phải nhập khẩu 100%. Trong số 100 nhà cung cấp linh kiện cho Samsung, hiện chỉ có 4-7 DN Việt Nam đủ năng lực và chỉ cung ứng bao bì, in ấn còn những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn thì một vài DN Việt Nam tham gia nhưng phải qua các công ty trung gian và cũng chỉ các đơn hàng nhỏ lẻ.

Nhà máy của Samsung ở tỉnh Thái NguyênẢnh: HÀ MINH

Nhà máy của Samsung ở tỉnh Thái NguyênẢnh: HÀ MINH

TS Mai Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, thông tin thêm rằng trong số hàng trăm loại linh kiện, phụ kiện Samsung chào hàng thì chỉ có khoảng 6-7 loại Việt Nam có thể làm được, tính cả DN nội và DN Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài  (FDI). Trong khi đó, khi lên kế hoạch vào Việt Nam, Samsung đã chuẩn bị cả đối tác cung ứng linh kiện, phụ kiện theo dây chuyền có sẵn.

Ông Hải kể một DN 100% vốn đầu tư Nhật Bản đặt ở Việt Nam đã “lắc đầu” trước yêu cầu của Samsung. DN FDI được ưu đãi lớn mà còn kêu khó thì DN Việt Nam gần như bó tay. Ông Hải dẫn chứng việc phía Samsung đặt hàng găng tay cao su, các DN sản xuất dụng cụ y tế khẳng định công nghệ trong nước hoàn toàn làm được nhưng với giá chỉ 1.000-1.500 đồng/đôi thì không đáp ứng được.

Đại diện một DN đã “chen chân” cung cấp được linh kiện cho Samsung cho biết tuy làm công nghiệp hỗ trợ được 4-5 năm nay nhưng chưa hề được hưởng ưu đãi về thuế nên khó đầu tư lớn để vừa bảo đảm công nghệ đạt tiêu chuẩn vừa giá thành rẻ.

Lãnh đạo một DN điện tử ở quận Tân Bình, TP HCM cũng cho biết đang xúc tiến để làm nhà cung cấp đầu vào cho Samsung nhưng mọi việc không hề đơn giản, phải mất từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Ngại khó, sợ rủi ro

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết không phải DN Việt không làm được mà trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, quan trọng nhất là thị trường có đủ lớn để đầu tư. Hơn nữa, đầu tư lĩnh vực điện tử rất rủi ro và gặp nhiều khó khăn do các sản phẩm công nghệ thay đổi liên tục dẫn đến máy móc thiết bị phải đổi mới thường xuyên.

“DN phải đầu tư về máy móc, thiết bị, công nghệ, con người và cả vốn lâu dài. Nếu mạnh dạn, tôi nghĩ sẽ trở thành nhà cung cấp được cho Samsung. Nhất là khi nhu cầu nội địa hóa của tập đoàn này ngày càng lớn bởi Việt Nam đang tham gia rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Samsung muốn được hưởng các mức thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu vào khối ASEAN, ASEAN+… phải đáp ứng được tỉ lệ nội địa hóa 40%...” - ông Hưng dẫn chứng.

Trong làn sóng đầu tư điện tử ở nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn từ năm 1995-1997, có khá nhiều DN Đài Loan âm thầm theo các “ông lớn” điện tử vào Việt Nam sản xuất linh kiện, phụ kiện. Tuy nhiên, thị trường lúc đó chủ yếu là nội địa và quá nhỏ bé, đầu tư không hiệu quả nên các DN Đài Loan rút lui.

Bài học từ Trung Quốc, Thái Lan… là khi DN vệ tinh (là các DN FDI) đi theo tập đoàn đa quốc gia vào sản xuất phụ trợ, DN trong nước trước mắt chưa làm được cho tập đoàn lớn có thể trở thành nhà cung ứng thứ cấp cho DN vệ tinh. Về lâu dài, có nền tảng rồi tự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Dựa vào công nghiệp phụ trợ

Ông Phan Hữu Thắng cho rằng với tình trạng hiện nay, để đạt được mục tiêu chung về công nghiệp phụ trợ khi Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, tức là sản phẩm công nghiệp phụ trợ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, Việt Nam cần đẩy mạnh việc hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ, thực hiện những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,317,343       1/871