Khi thủy điện tích nước, làm ngập nhà cửa và đất canh tác, người dân chỉ còn biết ngày ngày chòng chành trên thuyền nan giữa non cao để mưu sinh
Sáng sớm, dưới chân đập lòng hồ thủy điện Đắkđrinh ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, hàng chục chiếc thuyền đánh cá trở về sau một đêm mưu sinh. Người chở đò uể oải đưa khách sang sông giữa non cao lòng hồ.
Đang lúi húi sửa sang lại chiếc thuyền nan nhỏ dài 1,5 m, ông Đinh Văn Đáo (41 tuổi, ngụ xã Sơn Dung) lắc đầu: “Mấy hôm nay mưa gió quá, người qua lại ít nên không có một đồng thu nhập nào!”.
Cũng như nhiều người dân ở xã Sơn Dung, từ khi thủy điện Đắkđrinh tích nước, gia đình ông Đáo bị ngập hết nhà cửa, mất sạch đất sản xuất. Cuộc sống hằng ngày phụ thuộc vào lòng hồ.
“Hồi xưa, mình đi bộ qua đồi này rẫy nọ nhưng bây giờ không còn nữa. Gia đình phải chuyển sang nghề đánh bắt cá trên lòng hồ, bán kiếm gạo sống qua ngày. Nhưng mấy tháng qua, cá trên hồ cũng hiếm dần, đành chuyển sang lái đò, chở người dân qua sông” - ông Đáo nói.
Khách chủ yếu cũng là những người dân bị ảnh hưởng của thủy điện. Họ qua lại lòng hồ vì hầu hết có nhà cửa bên quả đồi này nhưng nương rẫy, nơi canh tác nằm ở quả đồi khác, phải đi hàng chục cây số trên lòng hồ thủy điện. Mỗi ngày lái đò, nếu đông khách, ông Đáo cũng kiếm được 100.000 đồng, ít khách thì chỉ 20.000 đồng. Dù thu nhập chẳng đáng kể nhưng đó là nồi cơm của các gia đình nơi đây bởi nếu không chèo đò, không đánh bắt cá thì họ chẳng biết làm gì để sống.
Trong khi đó, hàng chục gia đình khác ở xã Sơn Dung và Sơn Liên (huyện Sơn Tây), Sơn Bao (huyện Sơn Hà) bất đắc dĩ phải làm nghề đánh cá trên lòng hồ. Vừa tấp con thuyền nan khá nhỏ vào bờ, anh Đinh Văn Rê (ngụ xã Sơn Bao) không giấu nổi vẻ mệt mỏi sau một đêm dài thức trắng. Dù mệt, anh vẫn cố thu dọn đồ đạc, vận chuyển cá lên bờ để kịp bán trong phiên chợ sáng.
Anh Rê cho biết mỗi đêm nếu đánh bắt trúng cũng bán được hơn 100.000 đồng. Số tiền này đủ mua gạo, thức ăn và trang trải cuộc sống hằng ngày. “Với người dân bị thủy điện chia cắt như chúng tôi, có được khoản thu nhập như thế đã may mắn rồi” - anh Rê nói.
Mỗi đêm, ở lòng hồ thủy điện này có khoảng 100 gia đình làm nghề chài lưới như thế. “Hồi xưa, chúng tôi chỉ quen đi rừng, làm rẫy nhưng giờ chuyển sang đi ghe, đánh cá, chẳng khác nào trò hề. Nhưng biết làm sao được, bây giờ đất sản xuất không còn, đành phải làm như vậy mới sinh sống qua ngày được” - ông Đinh Văn Dĩ, ngụ xã Sơn Bao, bộc bạch.
Theo ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, dù chủ đầu tư dự án thủy điện đã đền bù rất thỏa đáng nhưng vì không còn đất sản xuất nên người dân vẫn chưa thích nghi với cuộc sống mới. Sắp tới, huyện sẽ rà soát, hỗ trợ mọi mặt cho người dân ổn định cuộc sống, bố trí khu tái định cư, không để xảy ra tình trạng đói nghèo do ảnh hưởng của thủy điện. n