Chỉ những người yêu nghề, tâm huyết với nghề mới làm được thừa phát lại. Đồng lương của họ quá ít trong khi áp lực công việc lại nhiều, chi phí đi lại rất tốn kém nhưng doanh thu chưa tương xứng...
Việc nhiều cán bộ, người dân không biết các dịch vụ từ thừa phát lại (TPL) cũng như việc nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức không hỗ trợ theo đúng quy định đang khiến hầu hết văn phòng TPL trên cả nước rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí có thể đóng cửa.
Thu không đủ bù chi
Theo đề án được phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa thành lập 4 văn phòng TPL nhưng hiện mới bổ nhiệm được 5 TPL và chỉ có 3 TPL thành lập văn phòng. Sau nhiều tháng hoạt động, chỉ có Văn phòng TPL Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và Văn phòng TPL TP Thanh Hóa hoạt động. Về chuyên môn, với 4 nhóm công việc chính (tống đạt theo yêu cầu, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành các bản án và quyết định của tòa án) thì TPL ở Thanh Hóa hiện chỉ mới làm 2 việc là tống đạt và lập vi bằng.
Ông Phạm Thanh Sơn, quyền Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã kiến nghị TAND Tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp có văn bản chỉ đạo TAND và Cục Thi hành án dân sự địa phương thực hiện chuyển giao văn bản, giấy tờ cho các văn phòng TPL tống đạt theo quy định. “TPL ra đời để gánh bớt công việc của các ngành này nhưng họ vẫn ôm đồm, làm theo lối cũ và chưa xem trọng TPL” - ông Sơn nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Vân Quỳnh, Trưởng Văn phòng TPL TP Thanh Hóa, cho biết văn phòng đã thành lập được hơn 6 tháng. Tuy nhiên, trong số 10 vi bằng và 100 giấy tờ tống đạt chủ yếu là do văn phòng TPL này phối hợp với các văn phòng công chứng và văn phòng luật sư chứ ít có từ người dân trực tiếp yêu cầu.
Bà Quỳnh thẳng thắn: “Chỉ có những người yêu nghề, tâm huyết với nghề mới làm được TPL. Đồng lương của họ quá ít trong khi áp lực công việc lại nhiều. Có nhiều vụ việc phải đi tận miền núi, vào các bản làng xa xôi cách thành phố cả trăm km để lập 1 vi bằng, chi phí đi lại rất tốn kém nhưng doanh thu chưa tương xứng”.
Dù là văn phòng TPL duy nhất trong một tỉnh nhưng doanh thu của Văn phòng TPL Bình Định cũng không đủ bù đắp chi phí. Từ khi thành lập (tháng 3-2014) đến nay, doanh thu của văn phòng chỉ được khoảng 80 triệu đồng, trong khi chi phí hoạt động đã hơn 30 triệu đồng/tháng.
“Thu không đủ chi nên chúng tôi vừa cắt bớt 4 nhân sự, giảm gần 50% so với khi thành lập nhưng vẫn lỗ” - ông Trần Quang Phụng, Trưởng Văn phòng TPL Bình Định, cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tàu, Văn phòng TPL tỉnh Vĩnh Long, văn phòng thành lập được 9 tháng nhưng đến 8 tháng lỗ vì không có việc làm hoặc có việc làm mà không được thanh toán tiền. Bà Võ Thị Ngọc Huệ, Trưởng Văn phòng TPL Bình Dương, cũng cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, Văn phòng TPL Bình Dương tống đạt 200 văn bản nhưng chưa được thanh toán vì các cơ quan, đơn vị liên quan cho biết phải hết năm mới trả”.
Chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc
Ở góc độ chuyên môn, ông Lê Mạnh Hùng - Trưởng Văn phòng TPL quận Bình Thạnh, TP HCM - phản ánh một số vướng mắc trong hoạt động lập vi bằng. Cụ thể, Sở Tư pháp TP HCM căn cứ vào Công văn 1128/BTP-TCTHADS ngày 18-4-2014 của Bộ Tư pháp (về việc tổ chức thực hiện thí điểm TPL) để từ chối đăng ký các vi bằng có nội dung ghi nhận sự kiện các bên ký tên vào văn bản nhất định (hợp đồng, giao dịch không bắt buộc phải công chứng hoặc các tờ khai, cam kết, xác nhận, trình bày…) với lý do thuộc lĩnh vực công chứng, chứng thực.
Ông Hùng phân tích: Quy định loại trừ quyền lập vi bằng của TPL khi thuộc thẩm quyền công chứng, chứng thực nên được hiểu là “các trường hợp mà pháp luật bắt buộc phải công chứng, chứng thực”, còn những trường hợp khác thì không nên giới hạn lập vi bằng. Thực chất, các văn phòng TPL chỉ lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi chứ không chứng nhận nội dung hợp đồng, giao dịch hay chứng thực chữ ký.
Với vướng mắc này, Sở Tư pháp TP HCM cho biết đã báo cáo Bộ Tư pháp và đề xuất sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền đăng ký vi bằng đối với những trường hợp vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền; ký tên, lăn tay vào văn bản thỏa thuận liên quan đến việc mua bán bất động sản; ký tên, lăn tay vào văn bản xác nhận, thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn góp; ký thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan khoản vay nợ ngân hàng… Tuy nhiên, dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng văn bản của Bộ Tư pháp ban hành vừa qua vẫn không hướng dẫn rõ nên chưa thể giải quyết dứt điểm những vướng mắc của các TPL.
Theo Sở Tư pháp TP HCM, sau hơn 4 năm hoạt động, các văn phòng TPL đã tống đạt 319.391 văn bản, lập 20.448 vi bằng, thực hiện 348 vụ xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án 75 vụ việc. Đại diện Cục Thi hành án dân sự TP HCM ghi nhận: “Mỗi năm, chúng tôi tiếp nhận khoảng 80.000 vụ việc thi hành án. Các văn phòng TPL giảm bớt những vụ việc thi hành án cho Cục Thi hành án dân sự, chỉ cần gánh giùm 10% thôi là mừng rồi”.
Tổ chức thi hành án rất tốt
Tại hội nghị liên ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động TPL do Sở Tư pháp TP HCM chủ trì mới đây, VKSND TP cho biết các văn phòng TPL tổ chức thi hành án rất tốt, ưu điểm là đạt được thỏa thuận rất cao cho các đương sự, hiếm hoi lắm mới có cưỡng chế. Đặc biệt, các văn phòng TPL không bỏ dở hồ sơ trong thi hành án dân sự. Tuy nhiên, kiểm sát 44 hồ sơ đã thi hành xong thì hầu như đều sai sót nên VKSND TP đã có 4 kiến nghị đến 4 văn phòng TPL. Sau đó, chỉ có TPL quận 1 và quận 5 phúc đáp.
Đại diện các văn phòng TPL cho biết việc thanh toán chi phí tống đạt của TAND và cơ quan thi hành án dân sự cho văn phòng TPL chưa kịp thời, không rõ ràng và hợp lý. Hiện còn 16 cơ quan tòa án, 15 chi cục thi hành án dân sự nợ chi phí tống đạt; các ngân hàng chậm cung cấp thông tin về tài khoản của người phải thi hành án; cơ quan đăng ký tài sản cung cấp chưa kịp thời thông tin về tài sản của người phải thi hành án theo yêu cầu của TPL; cơ quan thuế từ chối cung cấp thông tin về báo cáo thuế hằng tháng, báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều trường hợp còn khẳng định yêu cầu cung cấp thông tin của TPL là không có căn cứ pháp lý.