Công nghệ thông tin

Để mất rừng, lỗi thuộc về... toàn dân!

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng trên núi Hải Vân chồng lấn với công trình quốc phòng. Nóng vấn đề dự án bỏ hoang tại Khu Kinh tế Dung Quất

Sáng 12-12, tại buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, giải trình về dự án Khu du lịch World Shine - Huế tại mũi Cửa Khẻm, núi Hải Vân. Theo ông Cao, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm đúng quy trình về thu hút và phê duyệt cấp giấy phép đầu tư cho Công ty CP Thế Diệu (Hồng Kông). Ông Cao cho biết dù dự án được phê duyệt gần 200 ha nhưng thực tế chỉ có 60 ha được xây dựng. Sau khi Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng) kiểm tra thì phát hiện dự án này có một phần diện tích chồng lấn lên các công trình quốc phòng nên ngày 26-11, tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định dừng dự án. “Chính phủ giao tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành chức năng giải quyết các bước tiếp theo. Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm để không xảy ra trường hợp tương tự” - ông Cao khẳng định.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng trên núi Hải Vân đã bị dừng Ảnh: QUANG NHẬT
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng trên núi Hải Vân đã bị dừng Ảnh: QUANG NHẬT

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII ngày 12-12 về chuyện để mất rừng, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk - đơn vị được giao quản lý bảo vệ rừng - cho rằng trách nhiệm này thuộc về cả... hệ thống chính trị và toàn dân! Đại biểu Trần Tuấn Anh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong năm qua, rừng trên toàn tỉnh bị tàn phá nghiêm trọng, trong đó có nhiều vụ cơ quan chức năng hoàn toàn bị động, khi báo chí phản ánh mới vào cuộc. “Diện tích rừng giảm nghiêm trọng như vậy, trách nhiệm này thuộc về ai?” - ông Anh đặt câu hỏi. Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT, trả lời: “Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định liên quan, công tác quản lý bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân! Theo số liệu thống kê, tính riêng trong năm 2014, toàn tỉnh Đắk Lắk để mất hơn 125.000 ha rừng, giảm 9,6% độ che phủ, trong đó diện tích rừng tự nhiên giảm hơn 73.000 ha, rừng trồng giảm 52.000 ha”. Theo ông Thành, diện tích rừng giảm không hoàn toàn do mất rừng mà còn do phương pháp thống kê trước đây và sau này có sự sai lệch lớn. Tuy nhiên, đại biểu Anh cho rằng Sở NN-PTNT giải trình chưa đúng vì phạm vi rừng bị phá nghiêm trọng hơn.

Cũng trong ngày 12-12, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XI bước vào phiên chất vấn với nhiều nội dung quan trọng. Nhiều đại biểu bức xúc vì hàng loạt dự án đăng ký đầu tư vào Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất nhưng chỉ để chiếm đất, không tiến hành xây dựng, bỏ hoang nhiều năm nay. Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất, cho biết hiện KKT Dung Quất có 23 dự án chậm tiến độ, trong đó nhiều dự án với vốn đầu tư đến vài trăm triệu USD nhưng không còn khả năng thực hiện. Trong số 23 dự án này, tỉnh đã thu hồi 5 dự án, chấm dứt đầu tư 4 dự án đã hình thành tài sản trên đất. Theo ông Sô, hiện có một số dự án tại KKT Dung Quất được cấp đất nhưng không xây dựng mà nằm “chờ thời” hoặc chuyển nhượng để hưởng chênh lệch đầu tư, chủ yếu là các dự án thương mại dịch vụ. Việc thu hồi các dự án này hết sức gian nan và cần có lộ trình. “Mỗi năm, KKT Dung Quất thu hút khoảng 10 dự án đăng ký đầu tư và cũng có từng ấy dự án bị thu hồi. Đây là việc hết sức đáng tiếc!” - ông Sô bày tỏ. n

Người lao động

© 2021 FAP
  3,318,826       1/1,292