Trận lụt năm đó đã in sâu trong tâm trí của người dân, từ già đến trẻ ai cũng đều biết hoặc nghe kể và rùng mình. Họ muốn quên biến cố thiên tai ghê gớm ấy đi mà không được…
Năm nay là năm nhuần, có chút bất thường khi lụt về miền Trung khá trễ. Lụt thường đi kèm sau bão. Bây giờ, đã qua rằm tháng 10 mà lụt bão vẫn… đâu đâu. Dân gian nói “ông tha mà bà chẳng tha, hành cho trận lụt hăm ba tháng mười”. Nay sắp tới 23-10 âm lịch, bão Hagupit cực mạnh đang ngấp nghé ngoài biển Đông, người dân miền Trung vừa ngóng lụt vừa sợ bởi những trận lụt tháng 10 luôn rất kinh hoàng, trong đó ám ảnh nhất là trận lụt năm Giáp Thìn 1964.
Cả làng chỉ 19 người sống sót
Đã tròn 50 năm qua kể từ ngày xảy ra trận lụt vào ngày mùng 6 tháng 10 năm Giáp Thìn 1964, dọc 2 bờ sông Thu Bồn, Vu Gia (tỉnh Quảng Nam) vẫn đã mọc lên những triền xanh ôm gọn những xóm làng yên bình. Vào ngày đó, đi sâu vào từng ngõ xóm dễ dàng thấy được nhà nào cũng nghi ngút khói hương để chuẩn bị cho đám giỗ. Trong đó, làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam bây giờ) là nơi hứng chịu tang thương nhiều nhất khi lũ đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, san bằng làng mạc và đớn đau nhất là cuốn đi gần hết người trong làng, chỉ để lại 19 người.
Theo lời kể của các nhân chứng còn sống tại làng Đông An, vào trưa mùng 5 tháng 10 năm Giáp Thìn, trời vẫn còn thoang thoảng nắng. Đến chiều tối hôm đó bỗng dưng mưa ầm ầm trút xuống. Mưa không dứt và mỗi lúc một nặng hạt, kéo dài mãi đến chiều tối mùng 6. Bà con trong làng vội vàng dắt díu nhau lên chỗ cao nhất để trú tránh. Thế nhưng, nước ở đâu đổ xuống như thác, hàng trăm người ngã vào dòng nước và chới với kêu la. Tiếng gào khóc thảm thiết của trẻ em, phụ nữ thoáng chốc trôi vào hư không.
Chúng tôi gặp lại ông Lương Mân (SN 1947, ngụ làng Phong Lục Tây, xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào một ngày đầu tháng 10 âm lịch năm nay. Ông Mân là một trong những nhân chứng may mắn thoát chết trong trận lụt kinh hoàng năm Giáp Thìn 1964. Từng phút từng giây trong ngày định mệnh cuốn trôi cả làng được ông Mân hồi tưởng lại bằng giọng chậm rãi, thỉnh thoảng câu chuyện bị ngắt quãng bởi ánh mắt ông đỏ hoe, giọng nghẹn lại.
Năm đó, gia đình ông Mân có cả thảy 14 người sống cùng một căn nhà. Chạng vạng mùng 5, mưa bắt đầu trút xuống làng. Cả nhà lo quá, chạy đi trốn lũ trong đêm. Mưa to, lũ lên nhanh, người trong làng tập trung toàn bộ ở khu vực cao nhất. “Nước bất ngờ từ thượng nguồn ào xuống, người ngã dạt ra như cây mía gặp bão. Già, trẻ, lớn, bé trôi lạc trong dòng nước hung tợn rồi vướng vào bụi tre gần đó. Tiếng kêu khóc thảm thiết rồi tắt dần” - ông Mân nhớ lại.
Khi ấy, ông Mân và vài người nữa trong làng bám được vào ngọn cây mít. Thời khắc đó, ông chứng kiến cảnh từng người trong làng buông tay phó thác cho dòng nước lũ. Ông Mân đau xót: “Bà Quyển trong làng có đứa cháu nội mới mấy tháng tuổi, chết cứng trên tay nhưng bả vẫn bồng. Một tay bồng chặt thi thể cháu, một tay níu vào cành mít. Nhưng rồi bả đuối sức, thả tay và ôm chặt đứa cháu”.
Cả đêm đó, ông Mân nhắm mắt, tay vẫn ôm chặt cành mít. Trời gần sáng, nước càng hung tợn hơn, cây mít bị đánh trôi. Lúc này, ông tỉnh người, cố bơi và bám víu vào gốc cây. Cả ông và gốc cây cùng trôi dạt. Chưa đầy 2 giờ sau, ông thấy mình bị dạt vào khu vực ven bờ, phía xa có nhiều người dân đang nhặt củi trôi sông. Rồi ông được người ta cứu sống. Nơi ông được cứu là làng La Nghi (gần TP Hội An bây giờ), cách làng Đông An gần 100 km đường thủy.
Hai người anh trong gia đình ông Mân cũng được cứu sống ở cách làng Đông An không xa. Còn lại 10 người gồm cả bố mẹ, anh chị em, con cái trong gia đình ông đều bị nước lũ cuốn mất. Một người anh khác của ông Mân là ông Lương Lang “nhờ” đang đi làm việc tại Hội An nên thoát nạn.
Một người còn sống hiện ở làng Đông An từng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng của trận lụt năm ấy là ông Nguyễn Tấn Châu (tên thường gọi là Hai Giám, SN 1926). Năm đó, ông Giám 38 tuổi, sống cùng vợ và 8 người con. Ông và vợ là bà Lương Thị Trợ may mắn cùng được vớt ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), còn 8 người con thì mất không tìm thấy xác.
Dù nay tuổi đã cao nhưng ông Giám vẫn không quên được thảm cảnh năm xưa. Ông đau đớn chứng kiến từng người trong gia đình bị dòng nước cướp mất trong thoáng chốc; cha ruột của ông thì bị trôi tấp vào gốc chanh trước nhà rồi chết. Ông vớ được một trụ kèo trôi từ thượng nguồn xuống và ôm chặt lấy nó. Cả đêm hôm đó, ông nghĩ rằng mình đã chết khi cơn lũ hung hãn cuốn ông đi giữa dòng nước trắng xóa. May mắn, ông được cứu sống.
Ngày về chết chóc, điêu tàn
Vài ngày sau, nước rút dần để lộ cảnh tiêu điều, xơ xác dọc bên bờ sông Thu Bồn, Vu Gia. Những người ở làng Đông An được cứu sống khi trôi xuống hạ lưu đã lần tìm ra nhau. Họ cùng dắt nhau trở về làng với những hy vọng mong manh.
Khi bước chân về làng, cảnh tượng kinh hoàng một lần nữa đập vào mắt họ. Làng không còn một nóc nhà, khắp nơi một màu trắng đục của bùn non. Hoảng sợ hơn là xác người chết nằm la liệt, thi thể đã trương phình và bốc mùi hôi thối. Ruồi bu kín đen trên các xác chết, khi nghe tiếng động thì bay loạn xạ đen cả một khoảng không. Quạ và chó ở đâu kéo tới, thi nhau rỉa xác chết khiến ai chứng kiến cũng không khỏi kinh hoàng. Nhiều người lật các xác chết tìm tung tích người thân.
“Chúng tôi dựng lều bằng những tấm bạt ni-lông để trú tạm, cả thảy có 19 người được vớt lên và sống sót. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều cố nén đau thương vào lòng. Đêm đến, tiếng khóc bật ra từ các lều, rồi to dần át cả không gian vắng lặng đến ghê rợn” - ông Mân thuật lại.
Theo sổ sách được ông Lương Mân lưu giữ, trước năm 1964, cả làng Đông An có 395 hộ gia đình. Sau trận lụt năm Thìn, làng có tổng cộng 1.481 người chết, trong đó có 888 người độ tuổi từ 1 đến 16 tuổi.
Kỳ tới: Đất chết hồi sinh