Bị cáo Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu, biện hộ tại tòa rằng công ty của bị cáo kinh doanh vàng trạng thái không trái quy định pháp luật
Ngày 1-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử vụ Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và 5 đồng phạm về tội “Kinh doanh trái phép”, “Trốn thuế”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tranh luận tính hợp pháp của buôn vàng trạng thái
Tòa bước sang ngày thứ hai với nội dung thẩm vấn các bị cáo về tội “Kinh doanh trái phép”. Bản án sơ thẩm nêu rõ “bầu” Kiên đã thông qua 6 công ty: Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP Phát triển Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam để tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21.500 tỉ đồng.
Về việc kinh doanh vàng trái phép, Công ty Thiên Nam (do “bầu” Kiên thành lập) đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) về việc Công ty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa VietBank với ACB.
Theo thỏa thuận, Công ty Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam chỉ là sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ…, hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái.
Từ ngày 30-3-2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng trên tài khoản nước ngoài. Sau khi tất toán, Công ty Thiên Nam lỗ hơn 403 tỉ đồng. ACB phải ứng tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ kinh doanh trên và ghi nợ phải thu của Công ty Thiên Nam.
Được hỏi đầu tiên, bị cáo Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB, lý giải việc kinh doanh vàng trạng thái giữa Công ty Thiên Nam và ACB là sản phẩm tài chính phái sinh của kinh doanh vàng. “Tôi giải thích hơi khiên cưỡng một chút. Ở đây không nói về khái niệm hợp pháp hay không hợp pháp. Như lô đề là sản phẩm phái sinh từ xổ số nhưng không phải là xổ số, không chịu sự quản lý của nhà nước như xổ số. Cá độ bóng đá là sản phẩm phái sinh từ bóng đá nhưng không phải là bóng đá. Nếu kinh doanh giá vàng, khách hàng chỉ quan tâm đến biến động của giá vàng, còn họ không quan tâm giá vàng đó là bao nhiêu” - bị cáo Hải ví von.
Trả lời câu hỏi của tòa “Công ty Thiên Nam kinh doanh giá vàng có cần được cấp giấy phép không?”, bị cáo Hải đáp: “Thời điểm ký hợp đồng, sản phẩm phái sinh chưa quy định nên không đòi hỏi giấy phép gì đặc biệt”.
“Bầu” Kiên không nhận tội
Giữa buổi xét xử, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nhiều lần ôm ngực xúc động, giọng lạc đi nên HĐXX cho phép bị cáo ngồi để trả lời thẩm vấn.
Bị cáo Kiên cho rằng khi kinh doanh hàng hóa hay kinh doanh vàng, Công ty Thiên Nam phải tuân thủ 3 văn bản quy phạm pháp luật liên quan là Pháp lệnh Ngoại hối, Nghị định 74 và Thông tư 1168 của NHNN. Ngoài ra, còn Quyết định 03 của NHNN về kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài. Đối chiếu các văn bản này, Công ty Thiên Nam đều không vi phạm.
Bị cáo Kiên lập luận Công ty Thiên Nam được phép kinh doanh hàng hóa, theo Nghị định 159 vàng là hàng hóa nên công ty được phép kinh doanh vàng. “Đây là luật quy định, không phải do tôi nghĩ ra” - bị cáo Kiên quả quyết.
Theo bị cáo này, Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài mà kinh doanh trạng thái giá vàng. Việc kinh doanh trạng thái giá vàng không được quy định trong các văn bản pháp luật nên không bị điều chỉnh bởi các văn bản trên.
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã lập 6 công ty do mình làm chủ tịch HĐQT/hội đồng thành viên để tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu trái phép. Bị cáo cho rằng tòa sơ thẩm đã cố ý sửa Luật Doanh nghiệp bằng cách kết luận rằng bị cáo đã kinh doanh trái phép núp dưới danh nghĩa đầu tư. Nhận định của HĐXX là sai với pháp luật.
Khẳng định cả 6 công ty được thành lập và hoạt động hợp pháp, bị cáo nói: “Ngay cả khi tôi bị bắt, các công ty này phải bán cổ phần thì chính các cơ quan chức năng cũng đã cho phép các công ty khác mua lại cổ phần của các công ty do tôi lập ra mà các công ty kia cũng không có giấy phép hoạt động ngành nghề như chúng tôi”.
8 giờ sáng nay (2-11), phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.
Đơn viết trong tù dài 118 trang
Trước khi thẩm vấn “bầu” Kiên, chủ tọa thông báo đơn kiến nghị viết tay của bị cáo gửi TAND Tối cao dài 118 trang, HĐXX đã nghiên cứu kỹ từng nội dung; 26 trang bị cáo gửi VKSND Tối cao, HĐXX cũng đã được nghiên cứu. Bị cáo Kiên đề nghị cho gửi đơn khiếu nại bổ sung vì đơn này đã nhờ luật sư gõ máy tính lại cho dễ đọc, bổ sung để gửi lại thay thế cho đơn kia. Được chấp thuận, “bầu” Kiên đã ký đơn ngay tại tòa để gửi cho thư ký.