Công nghệ thông tin

Luật có số đại biểu Quốc hội thông qua thấp kỷ lục

(NLĐO)- Chiều nay (27-11), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp với chỉ 274 bấm nút thông qua với tỉ lệ thấp kỷ lục 55,13%.

Số ĐB không tán thành lên tới 125 người
Số ĐB không tán thành lên tới 125 người

Chiều 27-11, Quốc hội (QH) tiếp tục chương trình với phần mở đầu biểu quyết thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là, chỉ có 274/412 Đại biểu (ĐB) QH bấm nút thông qua, chỉ đạt 55,13%. Trong khi đó, có tới 125 ĐBQH không tán thành, 13 người không biểu quyết.

Theo ghi nhận của phóng viên, đây là mức thông qua thấp nhất đối với một luật trong kỳ họp QH lần này.

Trước đó, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp.

Đa số ý kiến ĐB tán thành việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật và sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc đưa trình độ cao đẳng về bậc giáo dục nghề nghiệp là chưa phù hợp với quy định của Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học hiện hành.

Ở Việt Nam, các trình độ trung cấp, cao đẳng hiện đang bị chia tách thành 2 bộ phận do 2 bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý hệ thống dạy nghề với các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề còn Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gồm trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Hơn thế, cao đẳng hiện đang được xếp là một trình độ đào tạo thuộc giáo dục đại học.

Trong khi đó, về bản chất, các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề đều thực hiện đào tạo theo định hướng thực hành nghề nghiệp và đều chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, dịch vụ.

Về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thay mặt Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp.

UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục cân nhắc thận trọng, toàn diện cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi Phiếu xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này.

Trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114/336 phiếu (chiếm tỉ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; 99/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 29,4%) đề nghị giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; 96/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 28,6%) đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và có 27/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 8%) có những ý kiến khác.

Kết quả trên cho thấy ý kiến ĐB về vấn đề này còn chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% ĐB QH nhất trí. Lãnh đạo QH và lãnh đạo Chính phủ đã trao đổi và thấy rằng vấn đề này chưa đủ chín muồi để xem xét sửa đổi trong thời điểm này.

Vì vậy, sau khi trao đổi, thống nhất với các cơ quan liên quan, UBTVQH xin đề nghị QH cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật dạy nghề hiện hành là: giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của Bộ quản lý ngành và cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Người lao động

đại biểu quốc hội, Luật Dạy nghề, Biểu quyết thông qua luật, bất cập dạy nghề, giáo dục đại học, đào tạo trung cấp, luật giáo dục đại học, kỹ năng ngh


© 2021 FAP
  3,316,782       1/259