Công nghệ thông tin

Đề xuất Công đoàn được điều tra tai nạn lao động

Để bảo vệ quyền lợi người lao động, các đại biểu Quốc hội đề xuất Công đoàn cơ sở được tham gia điều tra tai nạn lao động; đưa ra danh mục bệnh nghề nghiệp cũng như quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp

Chiều 26-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Tăng cường vai trò của Công đoàn

Đề cập đến vai trò của Công đoàn (CĐ) cơ sở trong dự án luật, ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nêu: Thời gian vừa qua, thực tế tai nạn lao động (TNLĐ) ở cơ sở thì người sử dụng lao động tìm cách giấu giếm, tự giải quyết, không báo cáo cơ quan chức năng. Do đó, đề nghị cho CĐ cơ sở tham gia vào đoàn điều tra tai nạn ở cơ sở. “Luật nên cho phép khi TNLĐ xảy ra chết người thì CĐ cơ sở báo cho cơ quan quản lý nhà nước và tham gia vào đoàn điều tra vì chính cơ sở hiểu rõ các tai nạn đó nhất” - ĐB Đặng Ngọc Tùng trình bày.

Đại biểu Trần Thanh Hải (TP HCM) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận Ảnh: TTXVN
Đại biểu Trần Thanh Hải (TP HCM) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận Ảnh: TTXVN

ĐB Đặng Ngọc Tùng cũng tỏ ra băn khoăn khi dự thảo luật vẫn đưa vào khái niệm “các tổ chức đại diện tập thể lao động”. Theo ĐB Tùng, nên sử dụng cơ chế 3 bên, cần đưa thẳng vào điều 84 là “tổ chức CĐ” chứ không nên đưa “các tổ chức đại diện” vào làm phức tạp thêm.

ĐB Lê Trọng Sang (TP HCM) cho rằng cần bổ sung quyền khởi kiện của CĐ cơ sở tại tòa án đối với người sử dụng lao động vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời, phát hiện những nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người lao động, CĐ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm triển khai biện pháp khắc phục; những nơi chưa có CĐ cơ sở thì CĐ cấp trên cơ sở thực hiện.

ĐB Lê Trọng Sang cũng đề nghị dự luật cần bổ sung quyền khởi kiện tại tòa án của người lao động với người sử dụng lao động khi không thực hiện đúng các quy định về pháp luật về quy định ATVSLĐ; các giao kết trong hợp động, trong thỏa ước lao động tập thể, coi đây là điều kiện để người lao động tự bảo vệ mình vì họ bao giờ cũng ở thế yếu hơn. Điều đó cũng bảo đảm tính công bằng trước pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Cần đưa trách nhiệm của Bộ Y tế vào luật

Là Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động CĐ, ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) dành nhiều thời gian trình bày những vấn đề liên quan đến bệnh nghề nghiệp. Theo ĐB Trần Thanh Hải, cần đạt mục tiêu kiểm soát bằng được bệnh nghề nghiệp vì dự án chưa nêu đúng mức vấn đề này. “Bệnh nghề nghiệp đeo đẳng người lao động đến suốt cuộc đời, là gánh nặng đối với họ và gia đình của họ. Hiện nay danh mục bệnh nghề nghiệp chỉ có 29 bệnh, trong khi các nước khác công bố những con số cao hơn nhiều” - ĐB Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, luật chưa quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trong việc khám định kỳ bệnh nghề nghiệp. Báo cáo tổng kết 20 năm thi hành pháp luật ATVSLĐ đã chỉ rõ chỉ có DN nhà nước và DN đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư lâu dài mới quan tâm đến công tác ATVSLĐ cho người lao động. Luật vẫn quy định nhập nhằng giữa việc khám bệnh định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp định kỳ. Dự án luật cần quy định rõ quy trình, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho người lao động. Đồng thời, cần quy định người lao động có quyền chủ động giám định bệnh nghề nghiệp bởi năm 2013 chỉ có 7.455 trường hợp qua khám bệnh phát hiện nghi vấn bệnh nghề nghiệp và 482 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề xuất Bộ Y tế cần bổ sung một loạt bệnh nghề nghiệp mới vào danh mục như những bệnh nghề nghiệp không xuất hiện ngay mà nó phát bệnh sau một thời gian dài 10 năm, 20 năm… “Cần đưa trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế vào luật cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì tôi nghĩ bệnh tật thì không ai hiểu hơn Bộ Y tế” - ĐB An nêu ý kiến.  

Chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Chiều 26-11, QH biểu quyết và thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung trò chơi trực tuyến (game online) vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, hiện nay trò chơi trực tuyến chứa nội dung có tác động xấu cho xã hội chủ yếu từ khu vực bên ngoài xâm nhập không kiểm duyệt được. Do đó khó thu được thuế TTĐB đối với loại trò chơi này. Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đề nghị chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Các loại hình kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin cũng được UBTVQH đề nghị không bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

UBTVQH cho rằng việc bổ sung nước ngọt có gaz vào đối tượng chịu thuế TTĐB đã được cơ quan soạn thảo đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng DN. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với đề xuất thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này nên UBTVQH đề nghị QH chưa bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB.    N.Quyết

Người lao động

© 2021 FAP
  3,317,082       3/878