Công nghệ thông tin

Mỏ đá làm khổ dân

Tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản (đá, cát xây dựng) tại tỉnh Đồng Nai diễn ra rầm rộ nhiều năm qua gây nhiều hệ lụy

Hơn 170 hộ dân thuộc xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai vừa có đơn gửi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị tại địa phương để khiếu nại về việc phê duyệt quy hoạch, quyết định cấp phép khai thác mỏ đá Bình Lợi trên địa bàn.

“Ăn” cả đất nông nghiệp

Mỏ đá Bình Lợi được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt có diện tích 40 ha (trong đó hơn 21,2 ha đất trồng lúa) hiện đang trong giai đoạn thu hồi đất do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam TNHH MTV (IDICO) làm chủ đầu tư. Theo các hộ dân, khu vực mỏ đá Bình Lợi được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011, cấp phép xây dựng vào giữa năm 2012.

Giữa tháng 3-2014, các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch được mời đến nghe kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Khi thực hiện dự án này, đơn vị khai thác phải đầu tư hệ thống băng chuyền để vận chuyển sản phẩm từ mỏ ra bến thủy nội địa, không vận chuyển bằng đường bộ. Chủ đầu tư cũng sẽ thực hiện đắp bờ bao, trồng hàng rào cây nhằm hạn chế tối đa bụi và tiếng ồn.

Mỏ đá sau khai thác không được phục hồi tạo thành hố sâu nguy hiểm

Mỏ đá sau khai thác không được phục hồi tạo thành hố sâu nguy hiểm

Tuy nhiên, người dân xã Bình Lợi không bằng lòng với chủ trương khai thác khoáng sản tại đây vì trên địa bàn tỉnh hiện đã có hàng chục mỏ đá. Bên cạnh đó, khu vực dự tính khai thác có hơn 20 ha đất lúa, sát đó là làng bưởi Tân Triều. Theo người dân, việc khai thác khoáng sản diễn ra rầm rộ lâu nay ở các khu vực núi đá, giờ đây không hiểu tại sao lại lấn sang cả vùng đất trũng ven sông, nằm sát bên TP.

“Chúng tôi không rõ lợi ích từ việc khai thác tài nguyên cần thiết đến mức nào nhưng rõ ràng việc khai thác tràn lan đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến môi trường, đó là chưa kể theo quy định, việc thu hồi từ 20 ha đất trồng lúa trở lên thì phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ” - ông Huỳnh Minh Quan - ngụ ấp 2, xã Bình Lợi - nói.

Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết sở này không đồng ý với chủ trương quy hoạch khai thác mỏ đá Bình Lợi vì “không cần thiết, ăn vào đất lúa và ảnh hưởng đến sinh thái”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, khẳng định quyết định của tỉnh hoàn toàn đúng theo quy định và quy hoạch. Riêng việc thu hồi trên 20 ha đất trồng lúa không thuộc trường hợp phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ vì dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2011, trong khi nghị định liên quan có hiệu lực bắt đầu từ giữa năm 2012.

Khai thác tràn lan

Đồng Nai là địa bàn được đánh giá có tiềm năng khoáng sản lớn với trữ lượng hàng triệu tấn. Hiện có 41 mỏ đã được cấp phép thăm dò, khai thác trên tổng diện tích hơn 1.400 ha, trong đó các mỏ tập trung chủ yếu ở địa bàn TP Biên Hòa, huyện Thống Nhất và huyện Vĩnh Cửu.

Việc khai thác cùng lúc nhiều mỏ đá xung quanh TP khiến cuộc sống người dân đảo lộn, môi trường bị ô nhiễm nặng. Xe “vua” chở quá tải từ các mỏ đá phá nát đường, gây tai nạn giao thông. Đã vậy, các mỏ đá lớn sau khi khai thác không thực hiện phục hồi môi trường theo quy định khiến mặt đất trở thành những hầm sâu, tạo thành những cái bẫy chực chờ gây nên những cái chết thương tâm.

“Có sống gần mỏ đá mới hiểu được nỗi khổ của người dân khi phải hít thở bụi đá suốt ngày đêm. Mùa khô, bụi bay mù trời, bám đầy trên cây nông nghiệp, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Còn mùa mưa, đường lầy lội, đi lại hết sức khó khăn” , bà Nguyễn Thị Hòe - ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, nơi đang bị các mỏ đá bao vây - bức xúc nói.

Trong những lần đi thực tế tại khu vực các mỏ đá, chúng tôi đều bắt gặp cảnh người dân than thở, phản ứng. Không than thở sao được khi nhà cửa bị nứt; bàn ghế, giường chiếu, cây vườn bám đầy bụi; ra đường nơm nớp lo tai nạn.

“Nhà tôi gần mỏ đá nên thường xuyên chịu cảnh ồn ào, hít bụi nhiều quá nên mắc bệnh viêm xoang, các con tôi cũng bị bệnh về hô hấp. Không hiểu quy hoạch khai thác kiểu gì mà tràn lan khắp nơi” - bà Lê Thị Dung - ngụ xã Hóa An, TP Biên Hòa - ngao ngán.

Những năm qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc xem xét, điều chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản và phục hồi môi trường hậu khai thác tại địa phương. Thời gian gần đây, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ mới có động thái khi phê duyệt 90 khu vực không được đấu giá quyền khai thác khoáng sản với mục đích bảo vệ môi trường.

Quyết khai thác tài nguyên

Theo Phòng Nghiên cứu chính sách Trung tâm Con người và Thiên nhiên Việt Nam, nếu không tính toán kỹ thì việc khai thác khoáng sản làm mất đi vĩnh viễn nguồn tài nguyên không tái tạo; làm suy thoái, cạn kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên sinh học. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai khẳng định địa phương đã cân đối được nguồn tài nguyên dự trữ và phục vụ cuộc sống. “Chúng tôi đã có sự tính toán cụ thể, quy hoạch khoáng sản được duyệt hoàn toàn cân bằng tài nguyên dự trữ và phục vụ thị trường” - ông Nguyễn Ngọc Thường nhấn mạnh.

Người lao động

tai nạn giao thông, chủ đầu tư, Thủ tướng Chính phủ, thu hồi đất, khu công nghiệp, đất nông nghiệp, chở quá tải, TP Biên Hòa, tỉnh đồng nai, khai thác


© 2021 FAP
  3,316,833       1/259