Tình trạng cổ vật bị săn lùng, trộm cắp, tuồn ra nước ngoài diễn ra bát nháo nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn
Sau khi hàng loạt con tàu cổ được phát hiện quanh bờ biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều tay buôn bán, sưu tầm cổ vật đã đổ xô về Bình Châu săn tìm, thu mua cổ vật và xác tàu đắm.
Lùng xác tàu đem bán
Thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu - nơi được mệnh danh “nghĩa địa tàu cổ” - những ngày cuối tháng 10, mưa gió thất thường với những con sóng cao phủ đầu. Ở khu vực bờ biển thôn Châu Thuận Biển, hàng chục con tàu của ngư dân địa phương liên tục quần thảo, lùng sục cổ vật. Các tàu thay phiên nhau thổi cát bằng những ống nước cao tít tắp. Thậm chí, nhiều tàu còn xịt nước vào nhau để tranh giành khi có người tìm thấy cổ vật.
Trong thôn cũng xuất hiện không ít người lạ đến hỏi mua cổ vật và xác tàu cổ. Không chỉ mua những tấm ván, bánh lái tàu cổ giá cao, nhiều tay sưu tầm đồ cổ còn thu gom các bộ phận, vật dụng trên tàu với giá cả chục triệu đồng/món. Thấy dễ kiếm tiền nên người dân trong thôn bỏ việc, đổ xô ra biển săn lùng đồ cổ.
Ông Nguyễn Văn Hải, ngụ thôn Châu Thuận Biển, cho biết xung quanh bờ biển Vũng Tàu từng phát hiện gần chục xác tàu cổ và vô số cổ vật bằng sành, sứ, đồng… có niên đại từ 500 năm đến gần cả ngàn năm. Đến nay, hầu như không một tàu cổ nào còn nguyên vẹn.
Quanh vùng biển Bình Châu và Lý Sơn đã phát hiện 10 xác tàu cổ bị đắm có niên đại từ thế kỷ VIII-XVIII, riêng ở Bình Châu có 8 xác tàu. Trong số này, cơ quan chức năng chỉ khai quật được 2 tàu cổ. Vào năm 2013, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương đã khai quật tàu cổ bị chìm dưới biển 700 năm. Sau khi trục vớt tàu, do không đủ điều kiện kỹ thuật để bảo tồn trên cạn nên công ty đành lấp tàu vào vị trí cũ, chờ sau này đem lên phục dựng hoặc phát triển du lịch. Thế nhưng, theo ông Đoàn Sung, cố vấn Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương, người dân đã lén lút trục vớt tàu, đem bán tất tần tật các phần còn sót lại cho những người buôn cổ vật.
“Những di sản vô cùng quý giá, có một không hai ở Việt Nam đang bị chính người dân tàn phá rất đáng tiếc” - ông Sung chua xót.
Một nhà sưu tập sở hữu 3 tàu cổ
Nạn ăn cắp cổ vật từ những con tàu đắm đã xảy ra nhiều lần ở nước ta trước sự bất lực của cơ quan quản lý. Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các ngư dân vùng biển Hội An phát hiện một tàu cổ chở đầy đồ gốm Việt Nam bị đắm ở ngoài khơi, cách đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) khoảng 20 km về phía Đông. Ngay lập tức, giới buôn bán đồ cổ đổ về Hội An, tạo nên cơn sốt đồ cổ. Điều đó càng kích thích ngư dân đi vớt đồ gốm dẫn đến tàn phá con tàu nghiêm trọng. Nhiều lưới quét dài hàng ngàn mét được bung ra để cào quét đồ gốm từ độ sâu 70 m, hàng vạn đồ gốm bị vỡ nát, hàng ngàn di vật quý bị rơi vào tay những người buôn đồ cổ và vượt biên giới lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Trong vụ trục vớt tàu cổ đắm ở vùng biển Cà Mau vào năm 1998-1999, hơn 130.000 hiện vật đã bị ngư dân đánh cắp.
Gần đây nhất, năm 2013, ông Đinh Tấn Tàu (SN 1975, ngụ xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) phát hiện ở khu vực Cửa Lở (thôn Bình Trung, xã Tam Hải) có nhiều cổ vật và dấu tích của con tàu đắm. Hay tin, nhiều thợ lặn khắp nơi đổ xô đến tìm. Thương lái cũng ngày đêm lùng sục tìm mua cổ vật. Thời điểm đó, người dân không biết giá trị cổ vật nên bán với giá chỉ vài triệu đồng/món. Một thời gian sau, khi việc trục vớt cổ vật lắng xuống, các thương lái liên tục đẩy giá nhưng lúc đó không còn hàng để bán.
“Những năm trước, rất nhiều lái buôn đến săn lùng cổ vật tại Quảng Nam nhưng nay đã lắng dần từ khi tỉnh láng giềng Quảng Ngãi trục vớt nhiều tàu cổ” - ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết.
Đem câu chuyện về giới buôn bán cổ vật đổ xô lùng sục tàu cổ, cổ vật quý giá hàng trăm năm tuổi kể cho chúng tôi nghe, ông Nguyễn Đăng Vũ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, lắc đầu nói: “Họ thật liều lĩnh, không biết quý trọng những di sản văn hóa quốc gia. Thế nhưng rất khó xử lý vì chưa có chế tài cụ thể”.
Ông Vũ tiết lộ ở tỉnh hiện có một số nhà sưu tầm đồ cổ tự bỏ tiền ra thu mua xác tàu, cổ vật trục vớt được đem bán ra nước ngoài. Đơn cử như một nhà sưu tập tàu cổ ở Quảng Ngãi hiện đã mua 3 tàu cổ đắm ở Bình Châu.
Để ngăn chặn tình trạng khai thác tàu cổ một cách ồ ạt, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi các ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm, đồng thời đang lập bản đồ quy hoạch để bảo vệ di sản và lập dự án bảo tồn di sản riêng cho Bình Châu. “Thế nhưng, chỉ sợ khi những dự án này hoàn thành, cổ vật đã bị bốc hơi hết” - ông Vũ nói.
Kỳ tới: Kho báu của các đại gia
Sưu tập cổ vật dưới nước
Từng là người lặn tìm cổ vật từ các tàu đắm, ông Đinh Tấn Tàu nay đã trở thành nhà sưu tập cổ vật dưới nước. Trong nhà ông hiện lưu giữ nhiều cổ vật quý như bình trà được lấy lên từ đáy cửa An Hòa có lớp men màu da bò, 2 chum nhỏ hình trụ bám đầy hàu; bình vôi, đĩa, tô men màu xám với hoa văn hình bùa, hoa dây màu xanh lam. Theo một số chuyên gia, các cổ vật này có từ thời kỳ gốm Chu Đậu có niên đại từ thế kỷ XV. Ông Tàu cho hay ông đã tiếp không ít người buôn đồ cổ đến trả giá từ vài triệu lên vài chục triệu đồng/món nhưng ông quyết không bán mà tự nguyện hiến tặng một số cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam.