Công nghệ thông tin

Cảnh báo thiên tai qua… điện thoại

Sáng kiến sử dụng điện thoại di động để cảnh báo và chia sẻ sớm các thông tin về thiên tai do Tổ chức ActionAid và Microsoft Việt Nam phối hợp triển khai ở huyện Long Phú, Sóc Trăng được xem là một sự kiện mới mẻ

Dự án đang được triển khai thử nghiệm tại 3 xã Tân Hưng, Tân Hạnh và Châu Khánh của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng trong hai năm 2014 - 2015.

Phóng viên: Thưa ông, nói thiên tai, người ta hay nghĩ đến miền Trung. Vì sao ActionAid chọn thí điểm tại một tỉnh ở ĐBSCL?

Cảnh báo thiên tai qua… điện thoại

- Ông Võ Xuân Sang, Điều phối viên các chương trình miền Nam của ActionAid: ĐBSCL, trong đó có Sóc Trăng, là một trong những khu vực ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nghiêm trọng trên thế giới. Chúng tôi đã khảo sát và nhận thấy trong những năm qua, Sóc Trăng thường xảy ra lốc xoáy, sét đánh, triều dâng và bão. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp và khó đoán. Do đó, việc trang bị hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp địa phương và người dân chủ động hơn trong ứng phó thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại.

Ông có thể mô tả sơ về hệ thống cảnh báo sớm này?

- Chúng tôi thiết lập một Trung tâm Xử lý dữ liệu giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa trên công nghệ máy tính có tích hợp phần mềm MDG (phần mềm dữ liệu mở của Microsoft ứng dụng công nghệ điện toán đám mây), đặt tại Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Long Phú. UBND mỗi xã được trang bị một bộ máy tính và điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Window 8, mỗi ấp cũng được trang bị 2 điện thoại di động loại này. Khi có các hiện tượng thời tiết cực đoan sắp xảy ra như bão, thủy triều dâng cao…, ban giảm thiểu rủi ro thiên tai tại huyện sẽ soạn tin nhắn cảnh báo từ máy tính và gửi đến điện thoại của người dân tại ấp. Các thành viên được giao nhận điện thoại, thường là trưởng hoặc phó ấp, sẽ tổ chức cuộc họp và thông báo rộng rải cho người dân ngay lập tức hoặc vào thời điểm phù hợp tùy theo mức độ khẩn cấp của hiện tượng thời tiết cực đoan. Hệ thống này cũng rất có hiệu quả trong việc đánh giá nhanh thiệt hại do bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Nó giúp người dân cung cấp cho các cơ quan chức năng về thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp trong thời gian nhanh nhất, chính xác với hình ảnh hiện trường. Đây là hệ thống phản hồi thông tin 2 chiều.

Sóc Trăng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn Ảnh: Thu Sương
Sóc Trăng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn Ảnh: Thu Sương

Trong điều kiện bình thường, các cơ quan liên quan ở huyện cũng có thể gửi thông báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi hoặc con người đang có nguy cơ xảy ra tại địa phương và gửi đến các điện thoại để chia sẻ rộng rải cho người dân trong ấp. Từ đó, người dân có thông tin và phương án phòng ngừa kịp thời, cải thiện đời sống và nguồn thu nhập.

Thiết bị sử dụng hệ điều hành Window 8 cũng khá phức tạp. Liệu người dân địa phương có thể tiếp cận và sử dụng thành thạo?

- Trước khi đưa công nghệ này vào dự án tại Việt Nam, chúng tôi đã tham khảo việc ứng dụng trên thực tế và biết rằng các nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, đã áp dụng công cụ này rất thành công trong những dự án, lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục... Chúng tôi cũng đã thí điểm 3 tháng tại Long Phú. Trong thời gian đó, chúng tôi thành lập các tổ phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai tại các ấp, giúp họ xây dựng kế hoạch phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai từ ấp đến xã, tập huấn cho họ sử dụng công cụ thu thập dữ liệu Microsoft. ActionAid đã chuyển giao công nghệ cho các thành viên trong ban phòng ngừa giảm thiểu rủi ro và cán bộ quản lý dự án huyện. Đến nay, họ hoàn toàn làm chủ kỹ thuật vận hành hệ thống vì công cụ được thiết kế đơn giản và thân thiện nên chỉ cần tập huấn 2 - 3 ngày là có thể thông thạo.

Thưa ông, tổng chi phí đầu tư cho dự án lớn không? ActionAid có kế hoạch tiếp tục triển khai ở các địa phương khác?

- Tổng chi phí khoảng 2,7 tỉ đồng, do ActionAid và Microsoft tài trợ. Đây không phải là con số quá lớn nên nếu ứng dụng này hoạt động tốt và Chính phủ Việt Nam có ý muốn nhân rộng đến các địa phương thì cũng không tốn quá nhiều ngân sách hoặc dễ dàng kêu gọi hỗ trợ đầu tư từ các đơn vị, tổ chức. Về phía ActionAid, chúng tôi sẽ đúc kết thành công từ dự án, chia sẻ với các địa phương, tổ chức khác và cấp quốc gia để nhân rộng sử dụng công nghệ này vào công tác phòng ngừa giảm thiểu rủi ro thiên tai. Tất nhiên, chúng tôi cũng xem xét về việc tiếp tục triển khai dự án tại các địa phương khác. 

Nhiều tổn thất vì thiếu thông tin

Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc truyền bá công nghệ và phát triển ứng dụng của Microsoft Việt Nam, cho rằng trong những trận thiên tai hay ngay chính cuộc sống hằng ngày, người dân chịu nhiều tổn thất vì thiếu thông tin. Nếu có các thông tin sớm, họ sẽ hoạch định mọi việc trong cuộc sống được tốt hơn, nắm bắt nhiều cơ hội hơn. “Với tôi, công nghệ là một sự bình đẳng cho tất cả mọi người. Trước mắt, dự án vẫn còn hạn chế vì chỉ áp dụng cho điện thoại smartphone. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng với tất cả các loại điện thoại, người sử dụng sẽ bị giới hạn trong việc tiếp nhận thông tin như hình ảnh thực tế hiện trường, soạn thảo văn bản phản hồi đến các cơ quan chức năng… nhưng cốt lõi là trong tình huống khẩn cấp, họ vẫn nhận được tin nhắn từ hệ thống cảnh báo để có phương án đối phó tốt nhất” - ông Anh nói.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,180,602       1/668