Công nghệ thông tin

Lá phiếu nhẹ, trách nhiệm nặng

“Lá phiếu cầm trên tay nhẹ nhàng thôi nhưng mang trong đó trách nhiệm rất nặng nề với cử tri, nhân dân cả nước, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải thật công tâm, khách quan, chính xác” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu

Sáng 14-11, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo trước QH một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc QH lấy phiếu tín nhiệm và biểu quyết danh sách những người được lấy tín nhiệm.

Khách quan, công tâm

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết đây là lần thứ 2 QH lấy phiếu tín nhiệm nên có kinh nghiệm và thời gian nhiều hơn cho việc chuẩn bị. Ngay đầu kỳ họp, QH đã thảo luận rất sâu về tình hình kinh tế - xã hội và ban hành Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2015, do đó lần này lấy phiếu tín nhiệm có căn cứ vững chắc. “Qua thảo luận cho thấy trong năm qua, công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp có chuyển biến rất tích cực, tạo ra một đà mới, sức bật mới để chúng ta phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm tới. Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu đó” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phân tích.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là việc làm hệ trọng, từng đại biểu (ĐB) QH thay mặt cử tri cả nước để bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và nhà nước trong bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh lấy phiếu tín nhiệm là việc làm hệ trọng Ảnh: HOÀNG NGỌC
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh lấy phiếu tín nhiệm là việc làm hệ trọng Ảnh: HOÀNG NGỌC

“Cầm lá phiếu nhẹ nhàng thôi nhưng trách nhiệm rất nặng nề nên khi quyết định cần cân nhắc, thận trọng, khách quan, công tâm, chính xác. ĐB nào không có lý do bất khả kháng thì phải có mặt để bỏ phiếu” - Chủ tịch QH nhắc nhở.

Một trong những ý nghĩa quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý là những người được đánh giá tín nhiệm cao luôn phải tự nhắc nhở mình tiếp tục hoàn thành tốt hơn công việc; những người được đánh giá chưa thật cao cũng nhận thức trách nhiệm của mình, phấn đấu khắc phục nhược điểm của bản thân và ngành phụ trách.

“Tôi cũng là ĐBQH, các vị lãnh đạo ở đây, các đồng chí đều là ĐB QH. Với trách nhiệm trước Đảng, nhà nước và nhân dân, các ĐB cần căn cứ các quy định, nhận thức, đánh giá của bản thân, ý kiến cử tri, thông tin chính thức mà chúng ta nhận được để phân tích, đánh giá khi bỏ phiếu tín nhiệm” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.

Lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh

Cùng ngày, 100% ĐBQH có mặt ở hội trường đã biểu quyết thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh, gồm: Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ nhiệm các ủy ban của QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Trưởng Ban Dân nguyện của QH, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Sau khi biểu quyết danh sách, QH thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Dự kiến, sáng 15-11, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, QH sẽ bầu ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh.

Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào cuối chiều cùng ngày và nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ được QH thông qua ngay sau đó. 

Tập trung vốn cho phát triển

Trong sáng 14-11, với tỉ lệ tán thành 92,96%, QH đã thông qua dự thảo Nghị quyết dự toán phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách trung ương năm 2015 là 589.807 tỉ đồng, tổng thu cân đối ngân sách địa phương là 331.293 tỉ đồng. Tổng chi cân đối ngân sách trung ương là 815.807 tỉ đồng, gồm cả 229.221 tỉ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương.

Nghị quyết nêu rõ vốn ngân sách trung ương sẽ chỉ phân bổ cho đầu tư phát triển tập trung, trả nợ xây dựng cơ bản và dự án có thời gian hoàn thành trong năm 2015. Ngoài ra, các khoản chi ngân sách năm tới cũng sẽ hạn chế tối đa chi cho dự án mới, hoàn trả vốn ngân sách ứng trước, bao gồm trái phiếu Chính phủ; cân đối đủ nguồn vốn không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản; rà soát các khoản chi thường xuyên tại địa phương để cơ cấu lại hợp lý, hiệu quả….

Không hạn chế báo chí

Chiều 14-11, trả lời báo chí bên lề kỳ họp QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Công khai lấy phiếu tín nhiệm lần này thực hiện đúng theo Nghị quyết 35 là không hạn chế báo chí”. Ông Phúc cho biết sáng 15-11, từ lúc ĐB bỏ phiếu, báo chí được vào quay phim, chụp hình. Sau đó, báo chí được nghe thông tin đầy đủ về kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Giải thích về thông cáo số 1 (ngày 14-11) nêu: “Báo chí không được dự phiên công bố kết quả kiểm phiếu”, ông Phúc nói: “Đây là do nhầm lẫn về cách diễn đạt, chứ không phải chủ trương hạn chế báo chí”.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, báo chí sẽ không được chụp ảnh, ghi hình lúc ĐB ghi phiếu để tránh gây bất tiện và để ĐB tập trung cho việc điền phiếu. Th.Dũng

Người lao động

© 2021 FAP
  3,317,314       3/871