Công nghệ thông tin

Sống khổ trong phố cổ

Tính mạng và tài sản của nhiều người dân ở Hội An, tỉnh Quảng Nam đang bị đe dọa khi họ phải sống trong những ngôi nhà cổ đã xuống cấp trầm trọng

Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An vừa lập biên bản đề nghị tạm dừng hoạt động kinh doanh tại 9 di tích thuộc sở hữu tư nhân để di dời trước mùa mưa bão. Những ngôi nhà cổ này đã bị mục ruỗng, xuống cấp và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng nhiều hộ dân vẫn dùng để kinh doanh và sinh sống.

Vừa ở vừa lo

Tại khu vực trung tâm phố cổ Hội An, dọc tuyến đường Trần Phú, có những dãy nhà cổ nằm san sát. Mỗi ngôi nhà đều là một “bảo tàng sống” lưu dấu những thăng trầm của lịch sử. Thế nhưng, qua thời gian, cùng với sự tác động của thiên nhiên, nhiều ngôi nhà đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Một phần phía sau ngôi nhà cổ số 26 Bạch Đằng, TP Hội An đang mục nát

Một phần phía sau ngôi nhà cổ số 26 Bạch Đằng, TP Hội An đang mục nát

Dẫn chúng tôi vào căn nhà số 177 Trần Phú, chị Diệp Ái Phương cho biết cuộc sống của đại gia đình 10 người đang hết sức khốn khổ. Ngôi nhà này có tuổi đời hơn 300 năm, được làm hoàn toàn bằng gỗ với chiều dài 30 m, rộng 6 m, hiện được trưng dụng làm nơi tham quan cho du khách, cũng là nơi 4 thế hệ gia đình đang sinh sống.

Ở gian nhà chính, hầu hết những cây cột đều bị mối mọt gặm nhấm, phần máng xối được làm bằng thân cây gỗ bong tróc nghiêng hẳn sang một bên. Gác trên của ngôi nhà trước đây được gia đình dùng để ở thì nhiều năm nay đành phải để trống vì hầu hết kèo cột đã mục ruỗng. Để cầm cự, nhiều thanh gỗ mới cũ xen lẫn nhau được buộc chống đơn sơ...

Gia đình chị Phương dù sống trong ngôi nhà rộng nhưng phải chen chúc ra khu vực phía sau để tránh nguy hiểm.

Trên đường Trần Phú còn có các nhà số 07, 120 cũng đã bị xuống cấp nặng nằm trong danh sách phải di dời. Còn tuyến đường Bạch Đằng nằm sát bờ sông Hoài cũng có 3 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Trong đó, hộ dân ở nhà 42A đã dời đi, ngôi nhà số 26 bị sập một nửa phía sau nhiều năm nay nhưng cụ Lại Thị Hà (hơn 80 tuổi) vẫn kê chiếc giường phía trước để ở, chỉ khi mưa gió các con thúc ép cụ mới dời đi...

Cuối năm 2013, ngôi nhà cổ số 48 Bạch Đằng bất ngờ sụp đổ và tiếp tục đè lên căn nhà số 46 khiến những ngôi nhà quanh đó cũng bị ảnh hưởng phần hậu.

Muốn sửa cũng không dễ

Chị Diệp Ái Phương cho biết nhà chị được xếp vào di tích nên gia đình không được tự ý sửa chữa mà phải được cho phép. “Nhà nước hỗ trợ 75% kinh phí sửa nhà nhưng nghe nói tiền sửa mất 3-4 tỉ đồng thì gia đình lấy đâu ra phần còn lại” - chị Phương cho hay.

Ông Phan Văn Quang, Phó Phòng Tu bổ Di tích Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết cứ trước mùa mưa bão hằng năm, trung tâm phải tổ chức đi chằng chống các di tích bị xuống cấp.

Theo ông Quang, từ năm 2004, TP Hội An đã triển khai thường xuyên Dự án Tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ. Đối với những di tích thuộc sở hữu của tư nhân sẽ được hỗ trợ sửa chữa từ 40%-75%, tùy theo giá trị và vị trí của di tích. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, nhiều hộ dân không có tiền để sửa chữa.

Người lao động

lập biên bản, di sản văn hóa, TP Hội An, Phố cổ Hội An, nhà cổ, xuống cấp, di tích lịch sử, di tích, sông Hoài, phố cổ


© 2021 FAP
  3,317,559       1/876