Chiều tối 11-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Nay Pyi Taw - Myanmar, bắt đầu chuyến thăm tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra trong ngày 12 và 13-11.
Đài GMA News (Philippines) cho biết vấn đề biển Đông dự kiến tiếp tục là trọng tâm bàn thảo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Giới phân tích, các nhà ngoại giao đang hoài nghi khả năng ASEAN và Trung Quốc thảo luận thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trong bối cảnh Bắc Kinh muốn đàm phán song phương với các nước láng giềng hòng chiếm được ưu thế. Trong khi đó, theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice, Tổng thống Barack Obama sẽ nêu bật vai trò chủ động của Washington trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở Myanmar.
Tương tự, báo The Hindu đưa tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ bày tỏ quan ngại trước sự lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông khi tham gia các hội nghị ở Myanmar. Với động thái này, Thủ tướng Modi muốn khẳng định chính sách hướng Đông mà New Delhi theo đuổi cũng như lợi ích của nước này tại biển Đông và Thái Bình Dương. “Đây là những khu vực Ấn Độ có lợi ích hợp pháp với 55% tổng giá trị thương mại đi qua biển Đông. Trung Quốc đã tìm cách đẩy chúng tôi ra khỏi vùng biển này song song với việc tìm cách xâm nhập Ấn Độ Dương. Vì vậy, đó sẽ là tình huống một mất một còn đối với chúng tôi” - GS Srikanth Kondapalli thuộc Trường ĐH Jawaharlal Nehru nhận định.
Xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015
Trong ngày 10 và 11-11, tại Nay Pyi Taw đã diễn ra cuộc họp quan chức cao cấp ASEAN (SOM) và cuộc họp Nhóm Công tác Hội đồng Điều phối ASEAN (ACCWG) nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các cuộc họp liên quan như: giữa ASEAN và đối tác (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên Hiệp Quốc), kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Úc, cuộc họp cấp cao Đông Á (EAS)... Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các cuộc họp trù bị trên.
Dự kiến nội dung chính của các cuộc họp cấp cao đều tập trung vào xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng của ASEAN sau năm 2015, tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Cùng với các Tuyên bố Chủ tịch theo thông lệ, các văn kiện đáng chú ý có: Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, Tuyên bố ASEAN - Mỹ về biến đổi khí hậu, Tuyên bố ASEAN - Nhật Bản về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, Tuyên bố ASEAN - Úc về tầm nhìn quan hệ đối tác toàn diện, Tuyên bố Đông Á về ứng phó nhanh với thảm họa, Tuyên bố Đông Á về ứng phó với dịch bệnh Ebola và Kế hoạch công tác ASEAN - Liên Hiệp Quốc năm 2015. D.Ngọc