Công nghệ thông tin

APEC nâng tầm liên kết khu vực

Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các thành viên thúc đẩy phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế

Ngày 11-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc, hội nghị cấp cao lần thứ 22 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bước sang ngày làm việc thứ hai với các phiên họp toàn thể.

Việt Nam - mắt xích quan trọng

Tham dự có lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC, dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tại phiên họp toàn thể thứ nhất, các nhà lãnh đạo tập trung trao đổi nội dung “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực” - 1 trong 3 ưu tiên hợp tác của APEC trong năm 2014. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với nội hàm phát triển bền vững, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cũng như nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu. Đồng thời, APEC cần đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 Ảnh: TTXVN

Nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác APEC và liên kết kinh tế khu vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đang trở thành hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á và là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo. Với triển vọng triển khai và hoàn tất đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, trong đó có 18 thành viên APEC.

Trước đó, phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định nền kinh tế toàn cầu phục hồi chưa ổn định và các nền kinh tế trong khối APEC nên đẩy nhanh thảo luận về thương mại tự do để thúc đẩy tăng trưởng. “Chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), thiết lập các mục tiêu, phương hướng và lộ trình, biến tầm nhìn này thành hiện thực càng sớm càng tốt” - nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi. Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thông báo Bắc Kinh đóng góp 10 triệu USD để thực hiện các chương trình dự án của APEC về nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển.

Thông qua 2 tuyên bố, 4 văn kiện

Tại phiên thảo luận toàn thể thứ hai về “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong bối cảnh hệ lụy của khủng hoảng tài chính còn sâu sắc, phát triển sáng tạo và cải cách cần gắn với những nỗ lực phát triển bền vững, giảm khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ “Lộ trình an ninh lương thực của APEC đến năm 2020” vì an ninh lương thực là một trong những thách thức của nhân loại trong thế kỷ XXI. Chủ tịch nước còn đề nghị cần coi trọng thỏa đáng mối quan hệ mật thiết giữa an ninh lương thực với an ninh nguồn nước; cần tăng cường trao đổi và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận lương thực hơn nữa.

Ngoài ra, theo Chủ tịch nước, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới, trong đó hợp tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác ngư nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ... là những nội hàm không thể thiếu. Chủ tịch nước đề nghị quá trình hợp tác cần theo hướng tiếp cận tổng hợp, đa ngành, bảo đảm cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với quản lý và bảo tồn nguồn lợi hệ sinh thái biển, ven biển cũng như bảo đảm bình đẳng xã hội, sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Với quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Kết thúc các phiên thảo luận, hội nghị thông qua 2 tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”, cùng 4 văn kiện kèm theo về “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương - FTAAP”, “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu”, “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015-2025”. 

Người lao động

© 2021 FAP
  3,181,122       1/675