Công nghệ thông tin

Dân làng Trung Quốc nhiễm bệnh lạ không thuốc chữa

(NLĐO) - Hơn 20 người ở thị trấn Yalong, ngoại ô TP Hechi tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bị xác định mắc căn bệnh lạ khiến chân tay biến dạng, xương xoắn và mụn mủ xuất hiện nhiều trên da.

Đa số những người mắc bệnh lạ đều là nam giới, chỉ một vài trong số đó là phụ nữ. Một số người thậm chí đã mắc căn bệnh này trong nhiều năm và không thể tiếp tục lao động.

Các bác sĩ đã được cử đến ngôi làng nhưng đội ngũ y tế đều tỏ ra bối rối trước căn bệnh. Một giả thuyết được đưa ra là những người dân này đã mắc căn bệnh hiếm gặp Kashin-Beck, hay còn gọi là hội chứng xương to.

Căn bệnh này thường gặp ở Trung Quốc, Siberia và Triều Tiên. Nguyên nhân là do thiếu chất selenium và i-ốt trong nguồn nước và thức ăn. Với một số lượng lớn, Selenium sẽ là chất độc đối với con người nhưng đây lại là một chất rất quan trọng với các hoạt động của cơ thể khi được cung cấp một lượng vừa phải. Bệnh Kashin-Beck thường xuất hiện ở trẻ em, gây ra sự biến dạng xương khớp nghiêm trọng.

Bác sĩ Li Wu (41 tuổi) cho biết căn bệnh không chỉ gây ra các biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng lao động của con người. Đặc biệt, căn bệnh thường gặp ở những người dân vùng quê bởi họ chủ yếu lao động tay chân.

Cô Luo Guiyu (38 tuổi) – một người dân làng - cho biết cô đã mắc bệnh 12 năm nay và chỉ có thể làm một vài việc nhà. Luo cũng cho biết thêm rất nhiều hàng xóm của cô cũng mắc bệnh và họ đã đi khắp nơi để chạy chữa nhưng không ai có thể xác định được căn bệnh này.

Hiện tại, bác sĩ Wu và các đồng nghiệp đang tiến hành xét nghiệm mẫu nước và lương thực được trồng trong khu vực. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cho rằng vẫn chưa thể khẳng định được chính xác liệu những người dân ở đây có phải mắc bệnh Kashin-Beck hay không. Mặc dù không có thuốc chữa trị nhưng can thiệp ngoại khoa và vật lý trị liệu có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.

Người lao động

bệnh lạ, Trung Quốc, Quảng Tây, người dân, bệnh Kashin-Beck, hội chứng xương to, Triều Tiên, mắc bệnh


© 2021 FAP
  3,319,542       1/1,301