Công nghệ thông tin

Thuê rừng để... phá!

Nếu không bán rừng kiếm lời thì các doanh nghiệp được giao đất rừng cũng buông lỏng quản lý khiến rừng cho thuê bị tàn phá nghiêm trọng

Thực hiện chủ trương cho doanh nghiệp (DN) thuê đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ rừng và phát triển cây cao su, những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã cho hàng chục DN thuê hàng trăm ngàn hecta đất rừng. Hiệu quả kêu gọi đầu tư chưa thấy đâu thì đã có hàng chục ngàn hecta rừng nguyên sinh bị tàn phá.

Chủ rừng vô can?

Năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lanh (viết tắt Công ty Cư M’lanh) thuê hơn 14.000 ha đất rừng để quản lý, bảo vệ và sản xuất. Sau hơn 5 năm được giao, DN này đã để mất gần 1/2 diện tích rừng và hiện tình trạng phá rừng, nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Xe chở gỗ lậu ung dung qua trạm bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lanh (Đắk Lắk)
Xe chở gỗ lậu ung dung qua trạm bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lanh (Đắk Lắk)

Trong khi chúng tôi đang điều tra về việc để mất rừng thì tại Tiểu khu 249 của vùng rừng này có một nhóm 3 người đang sử dụng xe công nông vận chuyển gỗ lậu từ rừng ra. Điều đáng nói là xe gỗ này đã ung dung qua mặt một trạm chốt quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Cư M’lanh mà không hề bị kiểm tra. Đi vào sâu, chúng tôi chứng kiến những khu rừng nguyên sinh bị đốn hạ để lấy gỗ, lấy đất. Ngay sát những trạm quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Cư M’lanh, rất nhiều diện tích rừng trước đây giờ là bãi đất trống hay các loại cây hoa màu. Thậm chí, sau khi phá rừng, một số đối tượng còn ngang nhiên cắm bảng bán đất.

Tương tự, những khu rừng nguyên sinh ngút ngàn một thời ở xã biên giới Ia J’lơi (huyện Ea Súp) cũng đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Cách trạm bảo vệ rừng vài trăm mét, tại Tiểu khu 160 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’mơ (Công ty Ea H’mơ), những cánh rừng bị chặt phá, thân gỗ dài hàng chục mét bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Được giao quản lý hơn 17.000 ha đất rừng nhưng đến nay, Công ty Ea H’mơ cũng đã để mất hàng ngàn hecta rừng nguyên sinh.

Ông Huỳnh Văn Mến, Giám đốc Công ty Ea H’mơ, ví von: “Rừng Ia J’lơi là miếng mồi ngon giữa sa mạc, bốn bề bị con mồi rình rập và xâu xé”. Điều đáng nói là gần 10.000 ha rừng giao cho 2 DN nói trên bị xóa sổ nhưng vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm. Ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, khẳng định buông lỏng công tác quản lý bảo vệ, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng là nguyên nhân chính dẫn tới mất rừng.

Không phá được thì bán

Ngoài các dự án mà chủ đầu tư buông lỏng quản lý, cố ý phá rừng lấy gỗ, lấy đất thì còn có việc DN ngang nhiên lừa bán đất rừng, trồng cao su khi chưa được cho phép khiến những cánh rừng dần bị xóa sổ.

Cuối năm 2011, Công ty Cư M’lanh thỏa thuận cùng đầu tư, góp vốn trồng cao su với Công TNHH Cao su Phước Hòa (Công ty Phước Hòa) ở Đắk Lắk (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) tại các tiểu khu 233, 234, 262, 264, 272, 273 và 274. Sau đó, dù UBND tỉnh Đắk Lắk chưa cho phép nhưng Công ty Phước Hòa vẫn tự ý trồng hơn 113 ha cao su trên đất rừng. Ông Phạm Ngọc Lợi, Giám đốc Công ty Phước Hòa, thừa nhận: “Đúng là chưa được phép trồng cây cao su nhưng chúng tôi... trồng thí điểm”.

Tại tỉnh Đắk Nông, năm 2009, DNTN Đại Phát Lộc hợp tác với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín (Công ty Quảng Tín) trên diện tích 398 ha (tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) để phát triển rừng và trồng cây công nghiệp. Do không có năng lực tài chính nên DNTN Đại Phát Lộc xin điều chỉnh giảm còn 159 ha, đồng thời xin chuyển từ liên danh sang thuê đất của UBND tỉnh Đắk Nông. Năm 2012, khi chưa được giao đất, DNTN Đại Phát Lộc đã bán toàn bộ diện tích này cho một cá nhân thu 5,5 tỉ đồng. Cũng như vậy, Công ty TNHH Bảo Châu đã chia bán 200 ha đất rừng tại Tiểu khu 1537 (thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) thu 26 tỉ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt tạm giam nhiều giám đốc DN có hành vi lừa bán, hủy hoại đất rừng, điển hình như: Hoàng Trọng Hiếu - Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Linh - bị bắt về hành vi hủy hoại 39 ha rừng; Bùi Văn Tiêm, Giám đốc Công ty CP Chế biến lâm sản Thăng Long, bị bắt vì để mất hơn 396 ha rừng...

Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, thừa nhận mục đích của nhiều DN là lấy đất trồng cao su chứ không phải bảo vệ rừng; một số DN không có năng lực tài chính nên chưa xong thủ tục đã bán kiếm lời. Đây là hạn chế lớn, làm giảm hiệu quả kêu gọi đầu tư, làm mất rừng, mất đất... 

Báo cáo không đúng thực tế

Kết quả thanh tra toàn diện của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông mới đây cho thấy từ năm 2008 đến nay, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân (huyện Đắk Song) đã để mất hơn 3.510 ha rừng tự nhiên và để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra liên tục, trong thời gian dài nhưng công ty này cùng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song báo cáo không đúng thực tế.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,231,582       3/892