Tàu biển Việt Nam phần lớn đầu tư bằng vốn vay lãi suất cao, đang khai thác trong tình trạng thua lỗ, nhiều chủ tàu phải dừng hoạt động để giảm lỗ…
Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, đến cuối tháng 6-2014, cả nước có khoảng 1.700 tàu vận tải biển mang quốc tịch Việt Nam, gồm 28 tàu container, 172 tàu chuyên dụng chở hàng rời, hơn 940 tàu tổng hợp… Theo ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ để các chủ tàu vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Chi phí tài chính cao
Ông Trương Đình Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart JSC), cho biết khác với đội tàu nước ngoài được hình thành chủ yếu bằng vốn tự có hoặc vay với lãi suất thấp, đội tàu của công ty được hình thành từ 70% là vốn vay ngân hàng. Chi phí vốn (gồm khấu hao, lãi vay và chênh lệch tỉ giá) hiện chiếm tỉ trọng khá lớn trong tổng giá vốn của đội tàu, mỗi biến động lãi suất và tỉ giá đều khiến chi phí vốn tăng theo. Do phải đánh giá lại các khoản vay ngoại tệ từ chênh lệch tỉ giá nên chi phí tài chính của Vitranschart JSC tăng cao, dẫn đến lỗ nặng. Chỉ riêng lỗ chênh lệch tỉ giá năm 2010 đã mất 67 tỉ đồng, năm 2011 là 138 tỉ đồng, năm 2013 là 18 tỉ đồng và dự kiến năm nay tiếp tục lỗ 20 tỉ đồng. “Để đội tàu trong nước có cơ hội cạnh tranh với đội tàu các nước, kiến nghị Chính phủ duy trì lãi suất cho vay ưu đãi hoặc có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư tàu, để bảo đảm chi phí vay vốn xấp xỉ như các nước trong khu vực, trung bình khoảng 2%/năm” - ông Sơn đề xuất.
Thời gian qua, cước phí hàng hải giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay và hiện vẫn chưa thoát đáy khiến các chủ tàu Việt Nam đang phải khai thác tàu dưới giá thành. Một số chủ tàu chấp nhận dừng hoạt động để giảm lỗ. Ông Đỗ Xuân Quỳnh cho rằng khó khăn lớn nhất mà các chủ tàu đang phải đối mặt là tình trạng thiếu vốn lưu động để duy trì sản xuất, kinh doanh, khai thác tàu, thiếu vốn đầu tư… “Mới đây, Cục Hàng hải có tờ trình và dự thảo thông tư liên bộ về phí và lệ phí hàng hải nhưng hiện các chủ tàu đang rất khó khăn, do đó chưa nên tăng các loại phí trong giai đoạn hiện nay” - ông Quỳnh nói.
Giữ thị phần nội địa
Chủ trương tạm dừng cấp phép cho tàu nước ngoài vận chuyển container nội địa vừa qua đã giúp tăng thị phần cho đội tàu trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tàu biển trong giai đoạn khó khăn. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho biết đội tàu trong nước hiện đảm nhận gần 100% sản lượng vận tải nội địa, kể cả một số tàu chuyên dụng chở các loại khí hóa lỏng, xi măng rời… Việc cấp giấy phép đối với các tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài vận chuyển tuyến nội địa sẽ được siết chặt trong thời gian tới. Trong thời gian tới, các bộ Giao thông Vận tải và Công Thương cần phối hợp để có cơ chế chính sách giúp đội tàu Việt Nam tăng thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công khẳng định nguyên tắc là vận tải nội địa sẽ là độc quyền của DN trong nước, độc quyền quốc gia chỉ dành cho DN trong nước. “Việc cấp phép cho tàu nước ngoài chỉ được áp dụng khi DN nội địa không đáp ứng được, gần đây bộ đang siết dần việc này. Năm 2012 có gần 30 tàu nước ngoài được cấp phép vận tải nội địa thì nay chỉ còn 2 tàu” - ông Công nói.