Trong 7 tháng đầu năm nay, Bộ Giao thông Vận tải rà soát 25 dự án và tiết giảm được tiền đầu tư đến 5.241 tỉ đồng
Theo ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), từ khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ/2011 đến tháng 8-2014, Bộ GTVT đã rà soát 44 dự án với kinh phí tiết giảm đạt 39.365 tỉ đồng (tiết giảm thêm so với số liệu đã báo cáo hồi tháng 12-2013 là 3.848 tỉ đồng). 7 tháng đầu năm 2014, qua rà soát 25 dự án, kinh phí tiết giảm ước khoảng 5.241 tỉ đồng.
Bớt hạng mục không cần thiết
Báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho thấy: 8 dự án đã có quyết định điều chỉnh có kinh phí tiết giảm gần 17.000 tỉ đồng; 2 dự án trong giai đoạn đề xuất, nghiên cứu lập dự án tiết giảm khoảng 1.642 tỉ đồng; 4 dự án rà soát phân kỳ đầu tư ước giảm khoảng 14.163 tỉ đồng; 12 dự án rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật giảm khoảng 12.339 tỉ đồng; 33 dự án được rà soát lựa chọn các giải pháp thiết kế hợp lý, tiết kiệm cũng giúp giảm gần 13.000 tỉ đồng.
Điển hình như tại dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả, được phê duyệt khoảng 16.500 tỉ đồng. Sau khi thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, chủ đầu tư đã triển khai thực hiện mọi biện pháp, nguồn lực để bảo đảm tiến độ, kiểm soát tổng mức đầu tư, không để vượt, lãng phí. Một số hạng mục được rà soát lại, thiết kế cơ sở được điều chỉnh để tiết giảm cả ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, tại dự án mới khởi công như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã điều chỉnh thiết kế, giảm bớt nhiều hạng mục không cần thiết. Tại dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan), cũng cắt giảm trên 9.000 tỉ đồng; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm khoảng 3.000 tỉ đồng…
Không phải giảm tiền là giảm chất lượng
Theo ông Trần Xuân Sanh, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn phương pháp xây dựng định mức, giá ca máy, xác định vật liệu, nhân công và công bố định mức; UBND cấp tỉnh tổ chức công bố giá vật liệu, ca máy, nhân công và lập đơn giá xây dựng công trình áp dụng cho địa phương. Mặc dù thời gian qua, việc rà soát, điều chỉnh định mức xây dựng được thực hiện nhưng còn nhiều định mức được xây dựng trên cơ sở công nghệ, thiết bị lạc hậu với năng suất. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) rà soát để Bộ Xây dựng công bố điều chỉnh, bổ sung 32 định mức, đặc biệt đã hoàn thành điều chỉnh 20 định mức thi công cọc khoan nhồi (định mức điều chỉnh giảm bình quân 30% so với định mức cũ) và bổ sung 2 định mức xử lý nền đất yếu bằng phương pháp hút chân không. Việc rà soát các dự án giao thông sẽ còn được thực hiện trong thời gian tới để tiết giảm được ngay những khoản chưa cần thiết.
TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu - Đường Việt Nam, cho rằng việc tiết giảm tại các dự án giao thông phải được hiểu một cách đầy đủ. Mục tiêu của Bộ GTVT rà soát về quy mô đầu tư để cân đối, phù hợp và tiết kiệm về kinh tế trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp hiện nay chứ không phải là bớt tiền, bớt quy mô, tiêu chuẩn. Nếu vốn đầu tư dồi dào thì có thể thực hiện như phê duyệt ban đầu. Rà soát lại nhưng vẫn phải chấp nhận được và nằm trong quy hoạch để sau này có vốn thì tiếp tục thực hiện. Nếu cứ thấy giảm được ngần này, ngần kia tỉ đồng mà nghĩ là tiết kiệm thì không đúng.
Nghèo mà sang!
Theo một chuyên gia nhiều năm theo dõi lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, việc rà soát và cắt giảm hàng ngàn tỉ đồng tại rất nhiều dự án giao thông cho thấy việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư trước đây quá phóng khoáng, không dựa vào điều kiện thực tế. Rất nhiều dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay nhưng lại luôn đặt mục tiêu hiện đại nhất, đẹp nhất, hoành tráng nhất mà không đặt lộ trình thực hiện từng bước thì rất “có vấn đề”, không khác gì hình ảnh người nghèo xài sang. Việc tiết giảm phải được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm không có việc giảm cả về chất lượng, tuổi thọ công trình bởi điều này sẽ rất nguy hại, gây tổn thất về lâu dài.