Công nghệ thông tin

Thôi, tôi về đây…

(NLĐO)- Thôi, tôi về đây, về nghĩ cách làm ăn, không bám víu quá khứ làm gì… Mà nếu không về thì cũng chưa chắc họ đã tiếp tục ký hợp đồng để cho mình ở lại làm cái gai, làm gánh nặng…

Sau một thời gian tìm đủ phương cách nhưng xem ra kết quả vẫn tù mù, cách nay 1 năm, tôi quyết định không vận động để được ngồi lại chiếc ghế lãnh đạo ở một đơn vị sự nghiệp công lập.

Lý do là vì tôi không đủ lực và người sẽ thay tôi vào vị trí ấy hứa sẽ giữ tôi lại làm “cố vấn”, bảo đảm cho tôi mọi quyền lợi tương đương như trước. Đúng là tôi vẫn được giữ lại làm cố vấn.

Sau ngày công bố quyết định, tôi dọn sang phòng làm việc mới, cách phòng cũ mấy căn nhưng nằm trong góc khuất. Công việc của tôi là tham gia các cuộc họp giao ban, góp ý cho sếp mới, đưa ra sáng kiến để cải tiến công việc của đơn vị và một số công việc không tên tuổi khác.

Thôi, tôi về đây…

Với vị trí mới, tiền lương của tôi được bảo lưu bằng bản hợp đồng lao động thời hạn 1 năm. Đây là quy chế của đơn vị, ký hợp đồng lần đầu là 1 năm, lần thứ hai 3 năm, lần thứ ba thành không xác định thời hạn. Tôi hi vọng mình tiếp tục làm việc đến hết hợp đồng thứ hai vì năm nay tôi 56 tuổi rồi, 4 năm nữa về hưu là vừa đẹp.

Nghĩ là vậy nhưng thực tế nó đưa đẩy mình đến những bến bờ khác. Kể từ ngày tôi lên làm cố vấn; các cán bộ, nhân viên dưới quyền ngày xưa vốn một tiếng dạ, hai tiếng thưa bỗng thay đổi 180 độ. Họ xem tôi như người vô hình. Đi ngang hành lang hoặc cầu thang mà trông thấy tôi, họ vẫn mải miết đi chẳng hề chào hỏi.

Hồi đương chức, tôi nhảy mũi một cái là có năm bảy người hỏi han, thuốc thang, mua đồ tẩm bổ; còn bây giờ tôi bị lên máu nằm bẹp dí trong phòng cũng không ai hay. Nếu chị lao công không phát hiện thì có lẽ tôi đi luôn!

Vào phòng họp thì mỗi lần tôi phát biểu, chưa kịp hết ý thì đã có người nhảy vô họng, lãnh đạo hiện tại thì chưa lần nào chịu lắng nghe góp ý của tôi, càng không có việc tham khảo ý kiến tôi về mọi công việc của đơn vị như đã hứa trước đây.

Ngày lễ tết, mọi người ríu ran về khoản này, khoản kia, còn tôi thì chẳng có đồng nào. Không hỏi thì thiệt thòi, còn hỏi thì người này bảo để hỏi ý kiến người kia xem tôi có nằm trong tiêu chuẩn hay không…

Từ ngày tôi lên làm cố vấn, cũng chưa có nhân viên nào ghé chơi nhà tôi dù đến dịp lễ, Tết, giỗ quải tôi đều lên tiếng mời mọc… Những việc này tôi đã tiên liệu nhưng không ngờ thực tế nó lại vượt xa những gì mình nghĩ.

Trước đây, chỉ cần nhìn sắc mặt tôi thì cả dàn cán bộ, chuyên viên dưới quyền biết phải làm gì. Tôi vừa buột miệng nói ra chuyện sửa nhà thì cả đám thuộc cấp đã xúm lại hỏi han ngày giờ, khối lượng công việc phải làm, loại nguyên vật liệu nào tôi thích. Sáng sớm, tôi vô cơ quan thì trà nước đã châm sẵn, đồ ăn sáng được bưng lên ngay tức thì. Tôi đi đâu, làm gì đã có người chuẩn bị sẵn, tôi bảo thích thứ gì thì vài hôm đã thấy thứ ấy ở trên bàn. Con tôi thi chuyển cấp thiếu vài điểm đã có tới 3-4 người “xin được phép lo cho cháu”…

Nói tóm lại thì người đương chức có nhiều cái sướng; sướng nhất là người ta sợ mình, lo cung phụng cho mình, muốn gì có nấy… Còn giờ đây, tôi sắp sửa hết hạn cái hợp đồng 1 năm và đang viết bản tự kiểm để được cơ quan xem xét tái ký hợp đồng. Tôi mở máy tính, nhưng mãi vẫn không viết được chữ nào.

Thôi, tôi về đây…

Tôi nghĩ về con đường làm quan của mình. Tôi vốn chẳng có tài cán gì nhiều, may mắn được dặt để vào vị trí giám đốc là nhờ anh giám đốc cũ bị đột quỵ, không có người thay thế nên tôi được cấp trên để mắt tới. Từ quyền giám đốc, tôi được bổ nhiệm làm giám đốc trong thời hạn 5 năm.

Trong 5 năm ấy, tôi đã hiểu thế nào là quyền lực của lãnh đạo. Tôi không tiêu cực, tham ô nhưng tôi có quyền. Chính vì có quyền nên tự khắc tiền tài, vật chất sẽ đến với tôi. Thú thật là quyền lực có sức hấp dẫn ghê gớm nên khi đã bước vào đó, người ta phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để duy trì và khuếch trương nó. Tôi cũng không ngoại lệ.

Từ giữa nhiệm kỳ, tôi đã bắt tay vào việc nhờ anh Bảy, chị Ba tác động với cấp trên để tôi được tái bổ nhiệm. Những người tôi nhờ đều sốt sắng hứa hẹn. Thế nhưng sau đó thì chẳng hiểu vì lý do gì, anh Bảy gọi tôi lên bỏ nhỏ: “Thế của mình hơi yếu. Thôi thì cậu tạm chấp nhận hết nhiệm kỳ thì nghỉ chờ một thời gian xem có chỗ nào khuyết nhân sự sẽ trám vào”.

Đấu tranh dữ lắm và cũng không còn cách nào khác tôi mới tạm chấp nhận phương án là “cố vấn” để chờ thời. Nhưng sau gần 1 năm ở lại, tôi đã thấu hiểu tình đời. Thôi thì tính đường lui gót để còn chút danh dự; nếu cứ bám víu ở lại thì lại ra vào lơ láo, chẳng là cái gì trong cơ quan, lại làm khó cho anh em, người ta lại nói mình tham quyền cố vị...

Thôi, tôi về đây, về nghĩ cách làm ăn, không bám víu quá khứ làm gì… Mà nếu không về thì cũng chưa chắc họ đã tiếp tục ký hợp đồng để cho mình ở lại làm cái gai, làm gánh nặng…

Người lao động

nghỉ hưu, chạy chức, hợp đồng lao động, bản hợp đồng, cố vấn, tái bổ nhiệm, tham quyền cố vị, lo lót


© 2021 FAP
  3,236,727       1/908