Ô nhiễm, cản trở giao thông, chất lượng hàng hóa khó kiểm soát... là thực tế đang diễn ra ở chợ tự phát trên địa bàn TP HCM
Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động nhận được nhiều phản ánh của người dân than phiền rất khổ sở bởi các chợ tự phát mọc lên nhan nhản trên các con đường ở các quận, huyện của TP HCM. Kẹt xe, ô nhiễm, mất an ninh trật tự... luôn diễn ra ở những chợ này.
Chen chúc nhau... đi chợ
Buổi sáng và cuối giờ chiều, dòng xe cộ lưu thông qua khu vực ngã năm Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP HCM) luôn bị ùn ứ bởi một khu chợ tự phát tại đây. Hàng hóa tươi sống như rau quả, tôm cá… được bày bán tràn lan từ vỉa hè ra đến ngoài đường. Người mua vô tư dừng xe dưới lòng đường để mặc cả. Người đi xe máy chen chúc nhau tìm chỗ mua hàng, lấn ra giữa lòng đường mặc cho dòng người lưu thông bị chặn lại. Dưới lòng đường thì rác rưởi, bao ni-lông, nước bẩn tràn lan...
Cách đó không xa, chợ Vĩnh Lộc B khang trang với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, bãi giữ xe rộng rãi lại luôn trong tình trạng ế ẩm. Một tiểu thương ở chợ Vĩnh Lộc B ngao ngán: “Không phải đóng thuế, thuê sạp; hàng hóa thì giá rẻ bởi không được kiểm tra nguồn gốc... nên giá bán ở chợ tự phát luôn thấp hơn trong chợ truyền thống. Chúng tôi không thể cạnh tranh nổi”.
Chợ tự phát trên đường số 6 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cũng luôn ùn ứ vào buổi chiều. Ông Nguyễn Văn Hải (ngụ đường số 6) cho biết chợ tự phát này hình thành từ năm 2008 và ngày càng được mở rộng. Cảnh buôn bán nhếch nhác, ô nhiễm cứ diễn tra từ ngày này sang ngày khác nhưng chẳng cơ quan nào chấn chỉnh. Gần đây, một tư thương lại cho thuê mặt bằng rộng gần 2.000 m2 mở chợ trên con đường này càng làm khu vực thêm “ngộp thở”. Mặc dù ngay sát chợ tự phát này có chợ Bình Triệu rất rộng rãi, sạch sẽ nhưng chẳng mấy người quan tâm mà cứ chen vào chợ tự phát. Cùng chung cảnh ngộ, chợ Tăng Nhơn Phú B (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) cũng bị cạnh tranh bởi một chợ nhỏ lôi thôi, lếch thếch bên ngoài.
Rất khó kiểm tra
Ông Ngô Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận 9, TP HCM - cho biết hiện nay, nhiều tiểu thương có tâm lý khi vào chợ buôn bán thì phải bỏ tiền ra thuê sạp, đóng thuế, phí rất nhiều, trong khi buôn bán ở lề đường rất thoải mái. Tuy nhiên, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường là vi phạm nên UBND quận 9 đã chỉ đạo các phường trên địa bàn quận tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt việc này. Quận cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tiểu thương vào chợ buôn bán đàng hoàng.
Ông Trần Thế Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - cho biết xã đang có kế hoạch vận động các tiểu thương kinh doanh ở chợ tự phát vào trong chợ truyền thống. Ngoài ra, xã đã thông báo đến các chủ nhà ở mặt tiền đường không cho thuê mặt bằng để họp chợ tự phát. Phường sẽ xử lý chợ tự phát này để giao thông thông thoáng, đường sá sạch sẽ.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cũng rất “đau đầu” với việc xử lý chợ tự phát trên đường số 6. “Chợ Bình Triệu và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên Quốc lộ 13 hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân trong khu vực nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn “ghiền” đi chợ tự phát” - ông Tú nhận định. UBND phường Hiệp Bình Chánh đã chỉ đạo các lực lượng xử phạt nặng đối với những người buôn bán không có giấy phép kinh doanh nhưng sau đó, họ vẫn không chấp hành và tiếp tục vi phạm. Ông Tú thừa nhận việc kiểm tra hàng gian, hàng giả, hàng không có hóa đơn chứng từ trong chợ tự phát rất khó khăn.
Xây chợ xong để... xuống cấp
Chợ Tân Phú (phường Tân Phú, quận 9) được xây dựng từ năm 2004 nhưng đã bỏ hoang nhiều năm nay. Khu chợ này có diện tích khoảng 4.000 m2 với hàng trăm sạp hàng được quy hoạch rất thoáng đãng, rộng rãi. Thế nhưng sau một thời gian dài, khu chợ này vẫn ế ẩm và ngày càng xuống cấp. Trái lại, cách đó chừng 50 m, chợ tự phát trên đường số 154 lại có rất nhiều người buôn bán và lúc nào cũng tấp nập, gây cản trở giao thông. Ông Ngô Anh Tuấn cho biết sẽ thiết kế lại tuyến giao thông hợp lý để tạo thuận lợi cho các tiểu thương buôn bán trong chợ Tân Phú.
Tr.Hoàng