“Quặng tặc” lộng hành khi cơ quan chức năng giảm người canh gác
Từ tháng 7-2014 đến nay, hàng ngàn người dân tại huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa phải dùng nguồn nước đục ngầu, ô nhiễm vì nạn khai thác quặng trái phép ở rừng phòng hộ đầu nguồn các xã Khánh Thành, Khánh Phú lại tái diễn.
Khổ sở vì thiếu nước sạch
Nạn khai thác quặng trái phép xảy ra ở rừng đầu nguồn tiểu khu 193 thuộc xã Khánh Thành và tiểu khu 205 thuộc xã Khánh Phú, sau đó lan ra tiểu khu 154 thuộc xã Khánh Thượng… Đến nay, “quặng tặc” vẫn hoạt động dai dẳng khiến rừng đầu nguồn bị tàn phá, nguồn nước ở các con sông đục ngầu. Có mặt tại xã Khánh Thành vào trung tuần tháng 8-2014, chúng tôi thấy nguồn nước sông Khế đục ngầu, các khe suối lắng đầy bùn đất. Người dân ở đây đa số là đồng bào dân tộc Raglay có thói quen sử dụng nước sông suối làm nguồn nước chính để ăn uống, sinh hoạt tỏ ra hết sức khổ sở. Bà Cao Thị Nghinh, ôm xô quần áo xuống sông Khế giặt, than vãn: “Nước sông đục ngầu khiến bà con trong thôn không thể nấu ăn được vì dùng nước này là bị đau bụng, tiêu chảy. Gia đình phải đi rất xa để lấy nước từ một khe suối nhỏ, mỗi lẫn chỉ được vài can nên chúng tôi đành phải dùng nguồn nước đục này”.
Ông Huỳnh Bá Linh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, cho biết hơn 1 tháng nay, nước sông Khế liên tục bị đục. Là xã vùng sâu vùng xa, nước sạch từ nhà máy nước thị trấn Khánh Vĩnh chỉ đáp ứng được khoảng 700 hộ dân, còn lại hơn 1.000 hộ dân phải lấy nguồn nước ô nhiễm này làm nguồn nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Ngọc Hoa, Chánh Văn phòng UBND huyện Khánh Vĩnh, cho biết do nguồn nước bị đục nên Nhà máy nước thị trấn Khánh Vĩnh rất khó khăn trong việc xử lý nước. Bình thường 1 tháng mới súc rửa hệ thống lắng lọc một lần nhưng khi nước đục thì cứ 2-3 ngày phải làm vệ sinh. Mỗi lần như vậy, nhà máy cúp nước, người dân khổ sở vô cùng!
Giải quyết không triệt để
Nạn khai thác quặng trái phép bùng phát từ năm 2011. Mỗi ngày có từ 500-600 người vào rừng phòng hộ xã Khánh Phú, Khánh Thành đào đãi quặng trên diện tích gần 200 ha. Lực lượng chức năng đã thu được cả súng kíp, chất nổ để đào đãi quặng. Từ năm 2013, các đối tượng mở rộng việc đào đãi trái phép qua rừng phòng hộ của xã Khánh Thượng, Giang Ly, Liên Sang… khiến tình hình trở nên phức tạp.
UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cấp xử lý quyết liệt tình trạng trên nên đến đầu năm 2014, tình hình mới im ắng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7-2014, “quặng tặc” lại lộng hành. Ông Trần Hòa Nam, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, cho biết do kinh phí có hạn và thấy tình hình khai thác quặng có dấu hiệu tạm ổn nên huyện giảm nhân sự từ 25 người còn 8 người. Chỉ chờ có thế, “quặng tặc” lại vùng lên, lãnh đạo huyện phải cử cán bộ lên các điểm nóng truy quét. Theo Công an xã Khánh Thành, các đối tượng chủ yếu đào đãi bằng tay chứ không sử dụng máy móc như trước. Họ tổ chức thành từng nhóm lập lều trại, khai thác quặng và dẫn nước bằng ống dài cả km để đãi quặng. Khi lực lượng chức năng lên truy quét, các đối tượng này liền lẩn trốn hoặc đi rải rác quanh đó, chờ khi lực lượng chức năng rút về là vào đào đãi.