Chỉ một cây xanh bật gốc ngã ra đường nhưng một phụ nữ mất mạng, một bé gái không thể đến trường vào ngày đầu tiên đi học và cả một gia đình tan tác
Chiều 18-8, nhiều người sống ở hẻm 515 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM vẫn còn bàng hoàng trước cái chết đột ngột của chị Nguyễn Thị Nhung (37 tuổi) do bị cây xanh ngã đè chết vào chiều 17-8 khi cùng chồng và 2 con lưu thông trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1).
Những đôi mắt thất thần
Trong căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Quốc Trận (59 tuổi, bố ruột chị Nhung) ở phường Tân Phong, quận 7, không khí tang thương bao trùm với những đôi mắt thất thần; những tiếng khóc xé lòng. Ngồi lặng người bên linh cữu của vợ, anh Mai Xuân Ba (39 tuổi) buồn thảm, nước mắt lăn từng dòng. “Hôm đó, nhà bạn có tiệc liên hoan nhưng tôi không tham gia để chở vợ và con đi chơi. Ai ngờ trên đường không may gặp trời mưa gió, cây ngã đổ trúng gia đình tôi. Bây giờ, tim tôi đau nhói, suy sụp lắm, cô ấy chết thảm quá…” - anh Ba nghẹn ngào. Anh Ba còn cho biết hôm 18-8 là ngày nhập học của bé Trúc An (6 tuổi), con thứ hai của vợ chồng anh. Do bị rạn xương ở đầu nên bé An phải ở lại bệnh viện điều trị mà không hề hay biết mẹ mình đã mất. Còn bé lớn là Trúc Linh (9 tuổi) chỉ bị thương nhẹ nên được xuất viện về nhà, ngồi bên linh cữu mẹ và khóc.
Ông Trận kể hôm xảy ra tai nạn, bé Linh bị té nhưng rất may không bị thương, liền lấy điện thoại của mẹ rơi xuống đường gọi báo tin cho ông ngoại biết. “Mấy hôm nay, tôi đang đi du lịch với vợ ngoài Nha Trang, biết được tin con gái nên cấp tốc mua vé máy bay về trong đêm. Nhung là con gái thứ hai mà tôi rất thương yêu” - ông Trận nói.
Đến chia buồn cùng gia đình, nhiều đồng nghiệp vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi quá đột ngột của chị Nhung. “Mấy hôm trước, hai chị em còn hẹn với các bạn khác lễ 2-9 cùng đi chơi ở Bình Ba (tỉnh Khánh Hòa - PV) nhưng chuyện xảy ra quá bất ngờ. Đêm qua nghe tin mà tôi cứ run rẩy, không tin đó là sự thật” - chị Nguyễn Thị Hòa, đồng nghiệp của chị Nhung, nói.
Sáng cùng ngày, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh đã tới viếng thăm, chia buồn cùng gia đình chị Nhung.
Mưa là không dám ra đường
Sáng 18-8, chúng tôi quay lại khu vực xảy ra cây xanh ngã trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều người dân ở đây vẫn còn bàn tán xôn xao. Bà Nguyễn Thị Hạnh - ở gần khu vực xảy ra tai nạn- cho biết bây giờ không dám ra đường khi trời đang mưa. Theo ghi nhận của chúng tôi thì đường này có rất nhiều cây xanh với khoảng cách gần nhau. Trong đó có một số cây lớn bị nghiêng, tán cây nhiều và có thể bị quật ngã nếu gặp gió mạnh.
Không chỉ có đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều tuyến đường khác ở TP HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Quý Đôn… có nhiều cổ thụ. Trước tình hình cây đổ liên tục, nhiều người dân e ngại ra đường vì sợ những cây này có thể trở thành mối họa khi mưa to, gió lớn. Về nguyên nhân, theo một số người dân thì ngoài do thời tiết ra thì việc chăm sóc, bảo quản cây xanh chưa thật sự tốt. Ngoài ra, nhiều cây xanh bị xâm hại do thực hiện các công trình nên rễ cây bị lỏng lẻo dẫn đến dễ bị bật gốc.
Nghi ngại của người dân hoàn toàn có cơ sở khi cứ đến mùa mưa, cây lại đổ; nhẹ thì đè bẹp xe, nặng thì làm người đi đường bị thương, thậm chí mất mạng. Hai năm trước, ngày 21-8-2012, nhánh một cây cổ thụ trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh đột nhiên gãy rơi xuống đường, đập chết bà Đỗ Thị Tuyết Hạnh (SN 1969, quê Đồng Tháp).
Theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM thì từ năm 2013 đến nay, công ty đã đốn hạ 1.244 cây xanh do bị chết khô và có nguy cơ gãy, đổ để trừ họa cho người dân. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2014, công ty đã mé nhánh 6.210 cây xanh các loại. Để phòng cây xanh đổ, ngã, công ty sẽ tăng cường công tác tuần tra phát hiện nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ bị gãy, đổ.
Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG - Công TY ĐÔNG PHƯƠNG LUẬT:
Công ty Công viên Cây xanh chịu trách nhiệm
Việc cây ngã, đổ gây thiệt hại về tài sản, gây thiệt mạng người đi đường cho đến nay đã có nhiều quy định của pháp luật điều chỉnh từ Bộ Luật Dân sự; một số nghị định, thông tư hướng dẫn… Tuy nhiên, các chế định pháp luật này chỉ giới hạn trong phạm vi xử lý trách nhiệm dân sự chứ chưa xác định việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6-2010 về quản lý cây xanh đô thị quy định đơn vị quản lý cây xanh đô thị có nhiệm vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ, chặt hạ... cây xanh đô thị. Trong đó quy định rõ cây trồng phải được chăm sóc, kiểm tra định kỳ cũng như xác định tình trạng phát triển của cây để có các biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời. Như vậy, rõ ràng pháp luật đã giao cho Công ty Công viên Cây xanh trách nhiệm chăm sóc, bảo quản cây trồng trên phố. Thế nên, khi có các sự cố về ngã, gãy, đổ cây gây ra thiệt hại mà không phải do lỗi cố ý hoặc vô ý của người bị hại thì trách nhiệm thuộc về đơn vị này.
Phạm Dũng ghi
Đừng quản kiểu may rủi
Tai nạn do cây xanh đang trở thành nỗi ám ảnh đối với cư dân đô thị hơn cả chuyện ngập nước, kẹt xe.
Cứ mỗi lần cây xanh gây tai nạn lại có giải thích từ các đơn vị có trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng đến các chuyên gia lâm sinh: Khách quan là do mưa to gió lớn, cây quá già,…; chủ quan thiếu kinh phí, xây dựng công trình làm hư cây, quản lý quy hoạch kém… Về mặt khắc phục càng đáng trách khi chỉ là tập trung dọn dẹp, hỗ trợ gia đình nạn nhân và... đốn phá cây.
Hiện tại, khi xảy ra tai nạn do cây xanh, không ai chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể mà cứ đổ thừa tại trời.
Vấn đề quản lý rủi ro cây xanh đô thị, các nước trên thế giới đã làm từ rất lâu, riêng việc tìm hiểu ứng xử của cây xanh khi chịu tác động gió bão đã được nghiên cứu từ những năm 1990. Quản lý cây xanh đô thị trên thế giới đều đã được nâng cao để kiểm soát rủi ro bởi việc áp dụng những công nghệ mới như GPS (hệ thống định vị toàn cầu), NDT (kiểm tra không phá hủy)… Thiết nghĩ, các đô thị Việt Nam cũng nên gấp rút đi vào hướng này, không nên quản lý bảo trì cây xanh đô thị theo kiểu lạc hậu quá nhiều may rủi, gây tâm lý lo sợ không đáng có cho người dân.
TS Phạm Sanh