Làm ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, bà Hillary Clinton gần đây gây xôn xao chính trường Mỹ khi công khai phàn nàn về chính sách đối ngoại của “sếp” cũ.
Nhận xét về việc ông Obama không muốn để đất nước dính dáng đến những cuộc xung đột rối ren ở nước ngoài, cựu ngoại trưởng cho rằng đây không phải là điều mà một nước lớn như Mỹ nên làm. Theo bà, chính những thất bại trong chính sách dưới thời ông Obama đã tạo đất sống cho các tay súng Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria trỗi dậy.
Việc bà Clinton “diều hâu” hơn ông Obama không phải quá mới mẻ. Khi còn đứng đầu bộ ngoại giao, bà được cho là đã ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria hoặc để lại lực lượng quân sự lớn hơn tại Iraq. Điều đáng bàn là bà công khai suy nghĩ nói trên giữa lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 đang đến gần, khiến không ít người thắc mắc liệu có động cơ chính trị đằng sau hay không. Đã có phỏng đoán bà muốn giữ khoảng cách với ông Obama để mở đường ra tranh cử.
Dù bà Clinton vẫn chưa hé môi về ý định của mình nhưng những lần diễn thuyết, xuất hiện trước giới truyền thông và chuyến đi quảng bá quyển hồi ký mới nhất thời gian qua đã phác họa diện mạo của một chiến dịch vận động tranh cử. Đài CNN bình luận phát biểu về chính sách của ông Obama, được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tạp chí The Atlantic hôm 10-8, là “thông điệp rất rõ ràng” mà ứng viên tổng thống tiềm năng này muốn gửi đến cử tri Mỹ. Vẫn còn quá sớm để biết ý định “giữ khoảng cách” với ông Obama có giúp ích cho bà Clinton về lâu dài hay không nhưng trước mắt, nó có nguy cơ làm rạn nứt mối quan hệ giữa 2 nhân vật từng ngồi chung thuyền. Đó có lẽ là lý do cựu ngoại trưởng Mỹ đã gọi điện thoại cho ông Obama ngay sau khi cuộc phỏng vấn được đăng tải để giải thích những điều bà nói “không nhằm chỉ trích ông, các chính sách hoặc khả năng lãnh đạo của ông” dù 2 bên thực sự có tồn tại "bất đồng" về một số vấn đề. Động thái này cũng bộc lộ thách thức mà bà Clinton phải đương đầu nếu quyết định ra tranh cử - làm sao giữ khoảng cách với ông Obama mà không bị xem là người cơ hội chính trị.
Tuy nhiên, hãng tin RIA Novosti chỉ ra rằng lập trường chung của bà Clinton về chính sách đối ngoại cơ bản không khác biệt so với ông Obama, nhấn mạnh Mỹ là nước duy nhất có khả năng giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu, một phần nhờ vào sự vượt trội về sức mạnh quân sự. Thái độ không hài lòng của bà Clinton chỉ dừng lại ở điều mà bà cho là sự thiếu quyết đoán của ông Obama trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Mặt khác, một số nhà phân tích chỉ ra thái độ này không có nghĩa bà Clinton sẽ hành xử khác hơn ông Obama nếu lên làm tổng thống. PGS Jonathan Ladd tại Trường ĐH Georgetown nhận định: “Không thể chỉ dựa trên phát biểu về quan điểm chính sách khi tranh cử để dự báo hành động thật sự của một nhà lãnh đạo sau khi nhậm chức”.