Công nghệ thông tin

Di chúc Bác Hồ mãi sáng soi

Sau 45 năm công bố, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sáng rõ tầm nhìn thời đại và vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến hôm nay

Sáng 16-8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP HCM đã diễn ra hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ánh sáng của trí tuệ và niềm tin”. Hội thảo diễn ra đúng ngày giỗ của Bác (ngày 21-7 âm lịch). “Không phải ai cũng biết hôm nay là ngày mất của Người. Đây là một sự xúc động khó quên trong mỗi chúng ta” - GS-TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận trung ương, bộc bạch.

“Trước tiên là chỉnh đốn Đảng”

GS-TS Hoàng Chí Bảo nhìn nhận thời gian càng lùi xa, chúng ta càng cảm nhận được những điều mới mẻ, thiêng liêng trong di chúc của Bác. Ông kể: Bác Hồ khởi thảo di chúc lúc 75 tuổi (tháng 5-1965). Kể từ đó cho đến khi qua đời, mỗi năm, từ mùng 10 đến 20-5, Người dành trọn 1 giờ mỗi ngày để chỉnh sửa di chúc. Bản di chúc của Người rất đặc biệt, dù ghi rõ “Tuyệt đối bí mật” nhưng đây lại là tài liệu được công bố rộng rãi nhất, được nhiều thế hệ học tập, noi theo.

Gọi là di chúc nhưng những gì dành cho riêng Bác thật ít ỏi. Ở phần được gọi là “việc riêng”, Người chỉ gói gọn trong 79 chữ, đúng bằng số mùa xuân mà Người trải qua. Hơn nữa, tuy được gọi là việc riêng nhưng dường như bất cứ ai soi vào cũng thấy việc Bác nói liên quan đến mình, là việc chung của dân tộc, đất nước. Đối với Bác, di chúc chỉ là một bức thư, “mấy lời để lại cho đồng bào, đồng chí mà thôi”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: HOÀNG BẮC
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: HOÀNG BẮC

45 năm đã qua đi nhưng những gì Bác vạch ra, tiên lượng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tháng 5-1968, khi sửa di chúc, Người viết: “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân...”.

Trong di chúc, Bác còn khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” và dành cả một đoạn để nói về trách nhiệm của Đảng, về sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên. Toát lên trong toàn bộ bản di chúc là lời căn dặn của Người: Phải củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân.

Ông Hoàng Chí Bảo khẳng định lời dặn dò của Bác vào lúc này càng trở nên cấp thiết và có tính thời sự rất cao. Cách tốt nhất để thực hiện lời dặn hệ trọng và thiêng liêng đó là ra sức làm tốt những điều chưa làm được theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng; khắc phục bằng được tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay để giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng.

“Chúng ta đang đứng bên thềm đại hội lần thứ XII của Đảng. Tất cả các văn kiện đang trong quá trình khởi thảo. Di chúc của Người sẽ là những chỉ dẫn quý báu, động lực tinh thần giúp chúng ta vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, chấp nhận thách thức để tiến tới con đường phát triển bền vững, nhất là phát triển con người” - ông Bảo nêu.

Giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi

Một điều dễ nhận thấy trong bản di chúc của Bác Hồ được nhiều đại biểu đưa ra là tư tưởng đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân. Dưới góc độ của một người công tác ở cơ sở, ông Nguyễn Bách Khoa - Bí thư Huyện ủy huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long - chia sẻ: Điều sâu xa và cảm động nhất mà Người căn dặn là: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ  trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

TS Trần Thị Minh Tuyết, giảng viên Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết trong di chúc, từ “đoàn kết” được nhấn mạnh tới 8 lần. Mặc dù được chỉnh sửa, bổ sung trong vòng 4 năm nhưng dung lượng và nội dung Người viết về đoàn kết hầu như không hề thay đổi. Điều đó chứng tỏ suy ngẫm của Người về vấn đề này rất kỹ lưỡng, thấu đáo.

Cuối cùng, Người gửi gắm nguyện vọng trong di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. 

Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 16-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67 thuộc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Thủ tướng đã bày tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng nhớ công lao vĩ đại của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cùng ngày, tại Khu Di tích Kim Liên, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 45 theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc nhằm tôn vinh, tri ân công lao to lớn của Người.

A.Nhiên

GS-TS Hoàng Chí Bảo: Dân luôn ở hàng đầu, Tổ quốc trên hết

Dân trong tư duy, tâm tưởng của Bác luôn ở vị trí hàng đầu. Và lúc này, dân tộc là tối thượng, Tổ quốc là trên hết, lợi ích phát triển đất nước là lợi ích cốt lõi của quốc gia thì những điều khiêm nhường cao quý ấy của Hồ Chí Minh càng có giá trị. Sự khiêm nhường đến như vậy ở người mang tầm vóc vĩ nhân và cốt cách hiền triết thì trên đời này chỉ thấy ở Hồ Chí Minh.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,252,439       4/1,512