Bằng việc đăng ký “Con đường tơ lụa trên biển” lên UNESCO, Trung Quốc hòng giành sự công nhận của quốc tế đối với chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa
Ngày 14-7, tờ tin tức Want China Times của Đài Loan đưa tin Trung Quốc đang cố gắng đăng ký “Con đường tơ lụa trên biển” lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) yêu cầu công nhận “di sản cổ vật Hoàng Sa” thuộc quốc gia này. ThS Hoàng Việt - giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông - nhận định hành động này của Trung Quốc “cực kỳ nguy hiểm”, thể hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông đã ấp ủ từ lâu.
Mưu đồ thâm độc
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Giám đốc Sở Di ảnh Văn hóa tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) Vương Nhất Bình cho biết trong 2 năm tới, Trung Quốc sẽ khai quật những mảnh tàu vỡ xung quanh đảo Hoàng Sa và đảo Quang Ảnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông này khẳng định có chứng cứ cho thấy các vật liệu xây dựng bằng đá và đồ chạm khắc được phát hiện trong khu vực này có từ triều nhà Thanh (1644-1911). Ông Vương còn khẳng định dân di cư Trung Quốc đã đến khu vực này, xây dựng đền thờ và nhà truyền thống của họ khắp các điểm đến ở Đông Nam Á.
Con đường tơ lụa trên biển chạy dọc nhiều quốc gia, trong đó có vùng biển Đông và có lịch sử giao thương từ hơn 2.000 năm. Tháng 10-2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng muốn phục hồi con đường tơ lụa trên biển này nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Trường Sa và Hoàng Sa đều thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì thế, hành động yêu cầu chứng nhận “di sản cổ vật” trên 2 quần đảo này là hành động thách thức của Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác có chủ quyền ở biển Đông nói chung.
Theo ThS Hoàng Việt, để được quốc tế công nhận về chủ quyền trên toàn bộ biển Đông, Trung Quốc không những bất chấp luật pháp quốc tế, các chứng cứ lịch sử mà còn không từ thủ đoạn, cách thức nào, từ việc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đến phát hành bản đồ “đường lưỡi bò” 10 đoạn mới; in đường lưỡi bò vào hộ chiếu; gia tăng các hoạt động cải tạo các bãi ngầm thành đảo nhân tạo nhằm thay đổi nguyên trạng trên biển Đông và hành động mới này để độc chiếm biển Đông. Đây là một chuỗi hành động có mưu đồ sâu xa từ hàng chục năm.
“Bằng những việc làm tưởng như bình thường, Trung Quốc thể hiện bản chất xấu xa, mang tính chiến lược rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng liên kết từ các sự việc đến từng cơ quan nhằm tạo cơ sở tuyên truyền cho việc làm sai trái của mình hòng nhận được sự công nhận của quốc tế” - ông Hoàng Việt khẳng định.
Trái luật pháp quốc tế
Từ đầu năm nay, “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc lập trái phép từ năm 2012 ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) đã đưa ra các chương trình bảo tồn trên đảo Hữu Nhật và đảo Đá Bắc.
Quan chức Hải Nam Vương Nhất Bình được dẫn lời cho biết Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động thăm dò khảo cổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa và kéo dài đến cả quần đảo Trường Sa.
Ông Vương khẳng định Cơ quan Di sản Văn hóa Trung Quốc đã xác định 136 địa điểm dưới lòng biển Đông kể từ khi họ triển khai sáng kiến bảo vệ năm 1990 và nhiều địa điểm nằm trong danh sách bảo vệ quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc đang có kế hoạch thành lập một trạm khảo cổ quốc gia dưới nước, một trạm làm việc và một bảo tàng liên quan đến biển Đông nhằm bảo vệ “Con đường tơ lụa trên biển” và thêm khu vực này vào danh sách Di sản thế giới UNESCO.
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, nói khu vực Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là những bãi đá ngầm nên tàu thuyền của nhiều quốc gia đi qua đây thường bị đắm. Về phương diện pháp lý, việc Trung Quốc khai thác cổ vật ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, qua đó hàm chứa mưu đồ hòng biến của cải của Việt Nam thành của mình. Đây là sự vi phạm hết sức trắng trợn, tiếp theo hành động dùng vũ lực đánh chiếm biển Đông.
Cũng theo ông Trục, Trung Quốc muốn lợi dụng việc này đưa lên Liên Hiệp Quốc để mong thừa nhận là di sản văn hóa, ẩn chứa âm mưu nham hiểm nhằm giành lấy sự công nhận của quốc tế đối với chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa; rêu rao là họ có chủ quyền đối với các cổ vật mà họ cho rằng là cổ vật của người Trung Quốc thời xưa. Nực cười là Trung Quốc muốn cho thế giới thấy họ đã có mặt ở vùng biển này từ lâu nhưng ngay cả các cổ vật này lại chưa được chứng minh là thật hay giả, có từ niên đại nào...!
Các nước sẽ phản đối mạnh mẽ
Trước hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ông Hoàng Việt khẳng định nếu Trung Quốc đệ đơn lên UNESCO thì sẽ tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ đến từ tất cả các quốc gia cùng chia sẻ vùng biển Đông. Các quốc gia nhất định không chịu để yên cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm.