(NLĐO) - Cơn khô hạn thành tích kéo dài 24 năm của đội tuyển Đức đã chấm dứt sau trận chung kết rạng sáng 14-7 với tuyển Argentina. Lần đầu tiên, một đội bóng châu Âu thành công trên đất Nam Mỹ, phá bỏ lời nguyền kéo dài gần một thế kỷ qua 20 lần tổ chức World Cup.
Cơn khô hạn thành tích của người Argentina nay chắc chắn kéo dài thêm bốn năm nữa, kể từ khi Maradona đưa đội bóng quê hương đến với chức vô địch lần gần nhất từ năm 1986. Trong khi đó, bàn thắng tuyệt vời của Mario Gotze phút 113 đã đưa đội tuyển Đức đến với danh hiệu vô địch thế giới lần thứ tư. Đâu là nguyên nhân thành công của Die Mannschaft?
"Hòn đá tảng" Manuel Neuer
Không phải ngẫu nhiên mà Manuel Neuer được trao tặng giải thưởng “Găng tay vàng” dành cho thủ môn xuất sắc nhất của vòng chung kết lần này. Toàn giải, hàng phòng ngự Đức mà Neuer là chốt chặn cuối, thi đấu trọn vẹn 7 trận và chỉ để thủng lưới 4 bàn. Neuer còn đi đầu trong xu hướng thủ môn tham gia phòng ngự từ bên ngoài khu vực 16,50m, cách thức chơi bóng xem ra khá gần gũi với tư tưởng của Franz Beckenbauer, người “phát minh” ra vai trò của cầu thủ libero. Mạnh mẽ, dứt khoát, bước chân sải dài, khả năng không chiến cũng như ra vào cực tốt, Neuer đã làm nản lòng Messi và các chân sút Argentina ở trận chung kết.
Kể từ trận chung kết U21 châu Âu năm 2009, hầu hết các chàng trai của HLV Joachim Loew đã gắn bó, chơi bóng cùng nhau lâu hơn bất kỳ đội bóng nào khác với tổng cộng 6 trận bán kết ở mọi cấp độ khác nhau, từ châu Âu đến World Cup! Họ cùng chung một cách tư duy về trận đấu, dù khả năng vận dụng của mỗi người có khác nhau. Nếu Brazil và Argentina dùng tập thể phục vụ ngôi sao thì ở tuyển Đức, ngôi sao chính là đội bóng.
Báo chí lá cải ở Đức đang đưa Joachim Loew lên tận mây xanh dù cũng chính họ, mới đây thôi còn nặng lời chí trích cách cầm quân của Loew, người khá kín tiếng, không tuyên bố vung vít về cách làm việc của mình. Loew kiên trì với quan điểm xây dựng đội tuyển từ năm 2006, có khả năng liên kết các cầu thủ thành một khối thống nhất, nhạy bén với các tình huống trên sân để điều chỉnh. Cùng đang hồi phục chấn thương như Mario Gomez thì phải ngồi nhà trong khi Khedira được sang Brazil và tỏa sáng. Ông cũng là người chấp nhận mọi phê phán, sử dụng đội hình một tiền đạo, lại lớn tuổi, lâu lắm không ghi bàn và Miroslav Klose đã đền đáp niềm tin ấy bằng kỷ lục ghi bàn qua mọi thời đại. Hai trong số những lần thay người của Joachim Loew trong trận chung kết cho thấy nhãn quan tuyệt vời của ông khi Andre Schurrle thực hiện đường chuyền chuẩn xác, loại gần hết hàng thủ Argentina để đồng đội Mario Gotze ghi bàn duy nhất của trận đấu.
Tấn công mẫu mực
Thomas Mueller không phải mẫu ngôi sao tấn công điển hình, không khéo về kỹ thuật như nhiều đồng đội khác, cũng chẳng dày dạn kinh nghiệm chinh chiến. Bù lại, trời phú cho anh khả năng săn bàn nhạy bén ít ai bằng. Là chân sút hay nhất tại World Cup 2010, lần này, anh đã có 5 bàn thắng và 3 pha kiến tạo… Ở tuổi 24, anh còn thừa khả năng làm nên những chiến tích kỳ vĩ khác trong tương lai. Không chỉ có Mueller, một chiến binh kỳ cựu là lão tướng Miroslav Klose cũng tôn vinh sức mạnh tấn công Đức với việc vượt qua “người ngoài hành tinh” Ronaldo để trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử World Cup. Cả ba tuyến của đội đều ghi bàn, thậm chí tiền vệ Andre Schurrle đã có đến 3 bàn thắng cùng pha kiến tạo lịch sử khi vào sân từ ghế dự bị, một hiệu suất hiếm có tại giải.
Trái tim đội bóng
Với việc Van Gaal không kiên quyết đưa Toni Kroos về Man United, nhiều người đã và sẽ còn tiếc cho nhà cầm quân này. Theo giới chuyên môn, Lionel Messi dù được nhận danh hiệu “Quả bóng vàng World Cup” nhưng Kroos mới chính là cầu thủ toàn diện nhất tại vòng chung kết năm nay. Anh có thể lùi sâu, chơi như một tiền vệ trụ hoặc dâng cao như một số 10 chính hiệu, trợ thủ đắc lực cho tiền đạo duy nhất của đội, phòng ngự hoặc ghi bàn đều tốt. Trẻ, nhiều khát vọng, Kroos có thể mang lại cho Bayern Munich một bản hợp đồng chuyển nhượng ưng ý, không dưới 25 triệu bảng mà Real Madrid sẵn sàng móc hầu bao.