Công nghệ thông tin

Sống chung với rác thải (*): Đảo xa cũng ngập rác

Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, tất cả vị trí quan trắc nước mặt ở đây đều không đạt tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân

Tỉnh Quảng Ngãi có 2 KCN, 1 khu kinh tế, 11 cụm công nghiệp, 22 làng nghề và hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động. Trung bình mỗi ngày, toàn tỉnh thải ra khoảng 5 triệu m3 nước thải và hàng chục tấn chất thải. Thế nhưng, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý, thu gom rác, chất thải.

Du lịch bị ảnh hưởng

Riêng tại TP Quảng Ngãi, theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, toàn thành phố có 1.291 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhưng chỉ có 229 doanh nghiệp có hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường. Khoảng 776 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp không có hệ thống thu gom rác thải, chất thải. Rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất thường xuyên xả nước thải, rác thải ra môi trường khiến tình trạng ô nhiễm rất đáng báo động. Ngay cả các KCN, khu kinh tế như Tịnh Phong, Dung Quất đi đến đâu cũng thấy những “núi” rác thải, chất thải.

Một bãi rác lộ thiên ở tỉnh An Giang Ảnh: THANH VÂN
Một bãi rác lộ thiên ở tỉnh An Giang Ảnh: THANH VÂN

Cơ quan chức năng tại Quảng Ngãi đã bắt quả tang hàng chục doanh nghiệp lén xả thải trực tiếp ra môi trường nhưng tình trạng vi phạm quy định bảo vệ môi trường vẫn không giảm. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn hiển hiện tại các khu dân cư, các vùng biển, điểm chợ đầu mối nông sản, thủy sản. Điển hình như tại các cảng cá Sa Kỳ, Sa Huỳnh, Lý Sơn…  do không có hệ thống thu gom rác thải, chất thải nên người dân vô tư xả thải từ việc chế biến hải sản trực tiếp xuống các nhánh sông, cửa biển.

Đặc biệt, một số địa phương như huyện đảo Lý Sơn, do không có quy hoạch bãi rác, không hệ thống thu gom xử lý chất thải, rác thải nên người dân sống chung với rác thải. Điều này khiến huyện đảo Lý Sơn bị ảnh hưởng nặng trong công tác phát triển du lịch.

Tỉnh Khánh Hòa có 9 bãi rác lớn như Rù Rì, Cam Thịnh Đông, Dốc Đỏ, Ninh An… hằng ngày tiếp nhận hàng trăm tấn rác nhưng việc xử lý chủ yếu là đốt, chôn lấp nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại TP Nha Trang, bãi rác Rù Rì được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là điểm đen về ô nhiễm môi trường. Nước rỉ rác chứa vi sinh Methanogenic có khả năng gây ô nhiễm cao cho các suối lân cận. Với lượng rác phát sinh 10.500 -16.800 tấn/tháng, hiện bãi rác Rù Rì không thể tiếp nhận rác thêm nữa.

Nguy hại hơn, từ tháng 8-2012, lò đốt rác thải duy nhất ở TP Nha Trang bị hỏng dẫn đến hơn 750 kg rác mỗi ngày ở các bệnh viện, cơ sở y tế chỉ được xử lý như rác thải thông thường. Để tránh nguy hại, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện xử lý chất thải lây nhiễm, chất thải phẫu thuật theo phương pháp khử khuẩn bằng nhiệt ướt, sau đó đem đi chôn lấp. Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, mỗi ngày, bệnh viện thải ra gần 500 kg rác thải y tế, trong khi lò hấp của bệnh viện chỉ hấp được 40 kg/40 phút. Công việc xử lý rác trở nên quá tải. Nhân viên phụ trách phải làm liên tục cả ngày, tăng ca cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Tuy vậy, nỗi lo nhất của bệnh viện là lò hấp này đã có tuổi thọ 10 năm, việc hỏng hóc sẽ khiến rác thải ứ đọng.

Không dám dùng nước giếng

Ở thị xã Ninh Hòa, nước rỉ rác từ bãi rác Ninh An đen ngòm, hôi thối chảy theo kênh làm chết lúa, ớt và nhiều cây trồng của dân thôn Ninh Ích (xã Ninh An). Nước giếng trong thôn cũng đục ngầu, hôi thối nên người dân không dám sử dụng. Quá bức xúc, hàng trăm người dân ở đội 9, thôn Ninh Ích không cho xe chở rác của Công ty CP Đô thị Ninh Hòa vào bãi rác vào đầu năm 2014.

Tại đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP Cam Ranh), ngoài việc phát sinh rác từ các hộ dân, xã đảo này còn đối mặt với rác thải từ hoạt động du lịch, dịch vụ, các hộ nuôi hải sản gần bờ. UBND xã này cho biết lượng rác sinh hoạt từ các hộ dân và du khách cùng với rác từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên đến hơn 1 tấn/ngày. Lượng rác lớn khiến bãi chôn lấp, xử lý của xã Cam Bình luôn quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Ở tỉnh Đồng Tháp, bãi rác Đập Đá (thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) là nơi tiếp nhận một lượng rác khoảng 113 tấn rác/ngày. Thế nhưng, bãi rác chỉ có 2 hồ chứa nước rỉ rác với tổng thể tích chứa khoảng 22.000 m3. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, tất cả các vị trí quan trắc nước mặt của khu vực này đều không đạt tiêu chuẩn môi trường nên gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân xung quanh. Nguyên nhân là do không có hệ thống xử lý nước rỉ rác. Do đó, một lượng lớn nước rỉ từ rác chảy tràn ra các khu vực xung quanh hoặc đổ trực tiếp xuống các lòng kênh ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân.

Còn theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, mỗi ngày trên địa bàn có khoảng 1.305 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị phát sinh khoảng 478 tấn/ngày và ở khu vực nông thôn khoảng 827 tấn/ngày, trong khi khối lượng được thu gom là 780 tấn/ngày, lượng chất thải rắn tự xử lý 325 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn địa bàn trung bình hằng năm tăng rất cao. 

Kỳ tới: Có công nghệ nhưng kẹt vốn

Phải xử lý triệt để

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, toàn tỉnh có 11 bãi rác chính và một số bãi rác nhỏ. Trong đó có 9 bãi thuộc danh mục các khu điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để theo quyết định của Chính phủ. Lượng chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu được thu gom rồi vận chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc chứa trong các hố rác. Cách xử lý cũng rất đơn giản như rải vôi, phun thuốc diệt côn trùng hoặc chế phẩm và đốt. Nước thải từ chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom và xử lý, mùi hôi phát sinh từ các bãi chứa chất thải rắn sinh hoạt chưa được khống chế, gây ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa mưa lũ. Các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và quy trình vận hành bãi không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường. Toàn bộ các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt là bãi lộ thiên, xây dựng không đúng quy trình kỹ thuật nên hầu hết các bãi này đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải xử lý triệt để, nhất là bãi rác tập trung thuộc phường Bình Đức (TP Long Xuyên) và bãi rác Kinh T4 (TP Châu Đốc).

Người lao động

© 2021 FAP
  3,302,036       1/454