Bạn đọc

Mong những ca cấp cứu do say rượu, bia ngày càng giảm

Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Theo đó, mọi trường hợp lái xe khi đã uống rượu, bia đều bị nghiêm cấm. Cũng như nhiều người, tôi mong rằng các quy định của luật này được thực thi một cách nghiêm túc để giảm thiểu những tác hại, hậu quả khôn lường của rượu, bia gây ra cho mỗi người, mỗi nhà.

Một bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang chuẩn bị được đưa đi phẫu thuật do bị người say rượu, bia đụng phải. Ảnh: P.Liễu
Một bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang chuẩn bị được đưa đi phẫu thuật do bị người say rượu, bia đụng phải. Ảnh: P.Liễu

Với hơn 20 năm công tác trong ngành y, làm công tác cấp cứu và trực tiếp phẫu thuật sọ não cho nhiều ca bệnh phức tạp nhưng theo tôi, có lẽ khó khăn nhất là khi cấp cứu và điều trị cho những ca tai nạn thương tích, tai nạn giao thông (TNGT) do say rượu, bia.

* “Nhiễu” chẩn đoán, khó điều trị

Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là bệnh viện tuyến tỉnh, nằm gần các trục đường giao thông lớn nên hằng ngày tiếp nhận cả trăm ca cấp cứu trong nội ô thành phố, từ các bệnh viện tuyến huyện chuyển lên hoặc từ các tỉnh khác chuyển đến. Đặc biệt, trong những ngày lễ, Tết và cuối tuần, Khoa Cấp cứu luôn chật kín bệnh nhân, trong đó phần lớn do tai nạn thương tích và TNGT có liên quan đến rượu, bia.

Thói quen uống rượu, bia trong những ngày nghỉ lễ, đặc biệt là dịp Tết lâu nay đã trở thành phổ biến ở Việt Nam. Khi lạm dụng rượu, bia, tinh thần người uống rất dễ bị kích động, kém tỉnh táo, thiếu tập trung nên khi điều khiển các phương tiện giao thông rất dễ gây ra tai nạn cho mình và người khác. Điều đáng nói, đa phần những ca cấp cứu TNGT do say rượu, bia thường trong tình trạng rất nặng, đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương đầu...

Công tác cấp cứu cho những ca TNGT do say rượu, bia khá vất vả, nhất là khó chẩn đoán chính xác bệnh ngay từ đầu hay còn gọi là bị “nhiễu” chẩn đoán. Đối với bệnh nhân không say rượu, bác sĩ còn có thể hỏi bệnh nhân để nắm một số thông tin ban đầu. Riêng với những người say rượu bị té xuống đường bất tỉnh,  khi cấp cứu ban đầu rất khó biết được họ hôn mê do say rượu hay do tổn thương thực sự. Vì lúc đó bệnh nhân mê man không biết gì hoặc trả lời lung tung, thậm chí còn cáu gắt, mắng chửi, đập phá vì không muốn bị... làm phiền.

Khó khăn trong chẩn đoán ngay từ đầu kéo theo tình trạng “nhiễu” kết quả khi làm các xét nghiệm, chiếu chụp... gây ảnh hưởng đến điều trị. Vì khi lượng cồn trong máu cao sẽ làm cộng hưởng hoặc có sự tương tác với thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc hoặc tăng độc tính của thuốc. Những ca tai nạn do say rượu, bia thường là đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng và tổn thương các chi. Đối với những trường hợp phải phẫu thuật, bác sĩ vẫn phải tiến hành nhưng lượng cồn vẫn còn trong máu sẽ gây rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến việc cầm máu; đặc biệt những ca chấn thương sọ não phải phẫu thuật thì gây mê khó hơn, tổn thương sau mổ cũng cao hơn so với những ca không có rượu, bia.

* Nên mạnh dạn từ chối...

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thời điểm những ngày cuối tuần và lễ, Tết, có đến 60% số ca nhập viện cấp cứu do bị TNGT, tự té ngã do say rượu, bia hoặc bị người say rượu, bia đụng phải; số ca chấn thương sọ não chiếm 30% trong tổng số ca bị TNGT. Phần lớn những ca cấp cứu có liên quan đến rượu, bia thường tập trung vào buổi tối, trong thời gian từ 19-22 giờ.

Ngoài nguy cơ tai nạn, những người lạm dụng rượu, bia còn đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật như: viêm loét bao tử, viêm gan, xơ gan, ung thư gan... thậm chí còn bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp bị loạn thần do rượu, bia tàn phá. Bên cạnh đó, việc lạm dụng rượu, bia còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề xã hội khác như: gia tăng TNGT, bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật, xâm hại tình dục...

Do đó, tôi rất mừng khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua. Tôi mong rằng, khi luật có hiệu lực sẽ góp phần thay đổi thói quen sử dụng, mua, bán rượu, bia khá phổ biến, dễ dãi như hiện nay. Có như vậy, những người thầy thuốc như chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn trong công tác cấp cứu vào những ngày lễ, Tết; ngân sách nhà nước cũng giảm gánh nặng chi điều trị những ca bệnh nặng do rượu, bia gây ra...

Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, ngoài các chế tài đủ mạnh của pháp luật cũng cần sự mạnh dạn của mọi người trong việc từ chối khi bị rủ rê uống rượu, bia. Theo tôi, cần phải có bản lĩnh, kỹ năng trong việc từ chối rượu, bia. Trong trường hợp đã uống rượu, bia thì kiên quyết không điều khiển các phương tiện giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và cho người đi đường.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người dân, nhất là cho những người trong độ tuổi lao động. Theo thống kê, tỷ lệ gây tai nạn và gánh chịu hậu quả của TNGT ở độ tuổi này chiếm đa số trong các vụ cấp cứu do TNGT ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

ThS-BS.Nguyễn Xuân Hoàng

(Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  122,412       1/346