Bạn đọc

Nghiện rượu, bia phá vỡ hạnh phúc gia đình

Ngoài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gia tăng bệnh tật, lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, hạnh phúc gia đình bị phá vỡ... Do đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.

Ngoài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gia tăng bệnh tật,  lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, hạnh phúc gia đình bị phá vỡ... Do đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.

Lạm dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gây bạo lực gia đình (Ảnh minh họa)
Lạm dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gây bạo lực gia đình (Ảnh minh họa)

Việc lạm dụng rượu, bia trong những năm qua đã gây ra hệ lụy khôn lường đến gia đình và xã hội. Tác hại của việc lạm dụng rượu, bia cũng đã trở thành vấn đề “nóng” đáng báo động.

* Nguyên nhân chính gây ra bạo hành gia đình

Nguyên nhân sâu xa của phần lớn các vụ bạo hành gia đình vẫn là do gia đình có người nghiện rượu, bia.Trước tiên là ảnh hưởng đến con cái bởi khi cha hay mẹ nghiện rượu, bia, gia đình thường hay bất hòa, cha mẹ thường xuyên cãi vã lớn tiếng làm con cái sợ hãi. Chúng cảm thấy như người đó không còn là cha, mẹ của mình nữa (làm mất đi hình ảnh đẹp của cha mẹ trong mắt con cái). Nhất là đối với trẻ em còn ở tuổi vị thành niên  thường cảm thấy lẻ loi, cô đơn. Các em nhỏ có thể cảm thấy sự cãi vã của cha, mẹ là do lỗi của chúng và cảm thấy có lỗi. Trong sự cô đơn, chán nản, các em thường tạo ra những rắc rối cho chính mình và tìm đến những người bạn cùng cảnh ngộ để được chia sẻ, nhất là tìm đến các trẻ hư hỏng nên rất dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như sử dụng ma túy.

Việc cha hoặc mẹ lạm dụng rượu, bia còn ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái. Trong gia đình có cha hoặc mẹ nghiện rượu, bia sẽ không làm chủ được hành động hoặc lời nói, làm mất đi sự kính trọng nơi con cái, sẽ không còn dạy bảo được con cái. Cha hoặc mẹ nghiện rượu, bia thường chú trọng vào việc có rượu, bia để uống nhằm thỏa mãn cơn nghiện và thường lơ là trong việc dạy bảo, chăm sóc con; thường lớn tiếng với con cái và hậu quả là đánh đập con (bạo lực gia đình) và họ trở thành gương xấu cho con.

Đã có nhiều gia đình đang êm ấm bỗng chốc đổ vỡ cũng vì chồng nghiện rượu, bia. Có những gia đình phải vắng đi thành viên trụ cột (cha hoặc mẹ) chỉ vì nghiện rượu, bia không kiểm soát được hành vi dẫn đến phạm tội giết người phải rơi vào vòng lao lý.  Thậm chí có những vụ án được đưa ra xét xử thật đau lòng bởi bị cáo và nạn nhân là những người cùng gia đình, là vợ chồng, là cha con chỉ vì lạm dụng rượu, bia đã không làm chủ được hành vi của mình dẫn đến phạm pháp khiến nỗi đau chồng lên nỗi đau.

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 42 vụ bạo lực gia đình (trong đó có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng: 1 vụ chồng dùng dao đâm chết vợ xảy ra ngày 1-5-2019 tại huyện Định Quán; 1 vụ vợ dùng dao đâm chết chồng xảy ra ngày 2-5-2019 tại TP.Long Khánh; 1 vụ con trai dùng dao đâm chết cha xảy ra ngày 29-10-2019 tại huyện Nhơn Trạch). Nguyên nhân chủ yếu là do nghiện rượu bia, cờ bạc, quan niệm bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết mâu thuẫn...

* Thay đổi dần nhận thức, thói quen sử dụng rượu, bia

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 có nhiều quy định tiến bộ, nhân văn. Luật không chỉ quy định 13 điều cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia mà còn quy định các biện pháp giảm mức độ tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia...

Trong đó Điều 25, Chương IV của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định việc chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia bao gồm: can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật...

Như vậy, có thể nói các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình... đều đã có. Tuy nhiên để luật đi vào cuộc sống cần có những nghị định hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn về những tổ chức, cá nhân nào được can thiệp, hỗ trợ bảo vệ trẻ em, phụ nữ hoặc triển khai các biện pháp ngăn chặn khi có trường hợp bạo lực gia đình do rượu, bia gây ra...

Mặt khác, trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông chứ không cấm uống rượu, bia. Do đó, làm thế nào để hạn chế được việc sản xuất, mua bán rượu, bia một cách dễ dàng như hiện nay thì việc áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới hiệu quả hơn.

Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động, xử phạt nghiêm những trường hợp lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người dân trong việc chấp hành các quy định của luật, từ đó thay đổi dần nhận thức, thói quen sử dụng rượu, bia, tiến tới giảm dần những hệ lụy do rượu, bia gây ra cho gia đình, xã hội, trong đó có vấn nạn bạo hành gia đình.   

Anh Thơ

 Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  122,376       1/346